Bài học về trách nhiệm, tính chuyên nghiệp
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:49, 08/12/2022
Các tuyển thủ Việt Nam đã giành chiến thắng với tỷ số 2-1, trong một trận đấu mà cả đội chủ nhà và đội khách đã thể hiện đúng tinh thần giao hữu, chơi không quá quyết liệt và đội hình ra sân của câu lạc bộ Borussia Dortmund chủ yếu thuộc thành phần dự bị do những ngôi sao hàng đầu đang bận dự World Cup 2022 tại Qatar hoặc bị chấn thương.
Tuy nhiên, với đội tuyển Việt Nam, chiến thắng này có ý nghĩa khích lệ tinh thần của các tuyển thủ trước thềm AFF Cup 2022 diễn ra vào cuối tháng này, bởi dù chỉ thi đấu với đội hình hai, Borussia Dortmund vẫn thể hiện trình độ chuyên môn, tính chuyên nghiệp đáng để học hỏi, thắng được họ không phải là điều mà đội tuyển quốc gia nào ở khu vực Đông Nam Á cũng có thể làm được.
Sau trận đấu nói trên, xét về mặt chuyên môn, đội tuyển Việt Nam đã nhận được lời ngợi khen của nhiều người, từ các bình luận viên, chuyên gia bóng đá đến người hâm mộ nói chung. Phía đội khách khá lịch sự, đánh giá cao trình độ của các cầu thủ Việt Nam, cho đây là một chuyến đi bổ ích không chỉ về mặt quảng bá thương hiệu. Nói một cách khác, cho dù là lời nhận xét có khách sáo hay không, cần phải thừa nhận rằng hình ảnh bóng đá Việt Nam nhìn chung là được lợi sau trận đấu này.
Với vị thế của một quốc gia, văn hóa và thể thao thường được coi là đại sứ thương hiệu, là phương tiện quảng bá hình ảnh đất nước, con người quốc gia đó. Từ nét đặc trưng về văn hóa, thành tích thể thao - trong đó thành tích về bóng đá giữ vai trò quan trọng - được thể hiện qua các cuộc thi, liên hoan văn hóa nghệ thuật, đại hội thể thao quan trọng của khu vực, châu lục, thế giới hay khi thi đấu với các câu lạc bộ bóng đá nổi danh toàn cầu, thế giới biết nhiều hơn về một quốc gia và kèm theo đó là sự đánh giá, mối quan tâm, thái độ thiện cảm, cơ hội hợp tác phát triển. Trong trường hợp này, lợi ích của cá nhân nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên, cơ quan quản lý ngành, ban tổ chức sự kiện, câu lạc bộ thể thao... gắn bó chặt chẽ với lợi ích quốc gia, hình ảnh và thể diện của cả một dân tộc chứ không tách rời.
Như đã thấy qua chuyến du đấu của câu lạc bộ Borussia Dortmund tại một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, người Đức tổ chức chuyến đi với tinh thần chuyên nghiệp, trách nhiệm cao. Tính chuyên nghiệp thể hiện qua việc tổ chức đội ngũ nhân sự hùng hậu theo đội, trách nhiệm của từng cá nhân trong việc khảo sát sân bãi, điều kiện ăn ở tập luyện, tính nhất quán trong ứng xử với truyền thông, với cầu thủ đội bạn cũng như người hâm mộ... Tất cả đều phải phục vụ mục tiêu lớn nhất, quan trọng nhất, đó là mở rộng tầm ảnh hưởng tốt đẹp của một câu lạc bộ bóng đá hàng đầu nước Đức và châu Âu.
Phía bóng đá Việt Nam, rất tiếc là mọi chuyện không được suôn sẻ dù thành tích chuyên môn là đáng ghi nhận. Việc cầu môn “bỗng dưng cao hơn bình thường” hay lưới rách là sự cố khó lường mà trong đa số trường hợp đều có thể thông cảm. Nhưng khi sự cố đó xuất hiện cùng hình ảnh khu kỹ thuật của Borussia Dortmund “bị gió đánh ngã chổng vó” trong cùng trận đấu đó và những ì xèo liên quan tới việc quản lý, tổ chức khai thác Sân vận động quốc gia Mỹ Đình trong thời gian qua thì “sự bỗng dưng” không còn là yếu tố gây cười nữa. Vấn đề ở đây liên quan tới tinh thần trách nhiệm, tính chuyên nghiệp của bộ phận tổ chức trận đấu này.
Thể thao Việt Nam đang thuộc tốp đầu Đông Nam Á, có vận động viên giành huy chương Vàng Olympic. Đội tuyển bóng đá quốc gia nam và nữ là thương hiệu lớn, đang mạnh lên rõ ràng trong thời gian gần đây, nhận được lời khen ngợi của các tổ chức và chuyên gia, người hâm mộ bóng đá nước ngoài. Những tuyển thủ quốc gia như Huỳnh Như (bóng đá nữ), Thanh Thúy (bóng chuyền nữ) tạo ấn tượng tốt đẹp khi thi đấu tại Bồ Đào Nha, Nhật Bản... Nhưng, chỉ có sự tiến bộ về chuyên môn thôi thì chưa đủ. Các bộ phận liên quan cần phải thể hiện rõ thái độ trách nhiệm, tinh thần làm việc chuyên nghiệp vì lợi ích chung thì mới mong xây dựng thể thao Việt Nam trở thành thương hiệu có sức ảnh hưởng lớn hơn.