Bảo đảm cung ứng đủ thuốc
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:32, 12/12/2022
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn khá phức tạp, chưa ổn định và khó dự đoán. Hằng ngày, trên cả nước ghi nhận hàng trăm ca mắc Covid-19, tiềm ẩn nhiều nguy cơ buộc chúng ta phải đối mặt. Cụ thể là miễn dịch đáp ứng trong cộng đồng do mắc bệnh hoặc tiêm chủng giảm dần theo thời gian; vi rút liên tục biến đổi, có khả năng lây lan nhanh, giảm hiệu quả điều trị, không loại trừ nguy cơ tăng nặng, tử vong trở lại...
Bên cạnh đó, số ca mắc sốt xuất huyết tiếp tục ghi nhận ở mức cao trên cả nước và đã có một số trường hợp tử vong. Các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm khác như đậu mùa khỉ, tay chân miệng, cúm… tiếp tục diễn biến khó lường.
Cùng với các loại dịch bệnh chưa có dấu hiệu “hạ nhiệt”, tiết trời trong thời gian từ nay đến Tết Nguyên đán và đầu năm mới thường thay đổi thất thường, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Do đó, nhu cầu chăm sóc, thăm khám sức khỏe của người dân dự báo gia tăng, kéo theo việc sử dụng thuốc men cũng sẽ tăng cao.
Để đáp ứng đầy đủ cơ số thuốc cho công tác khám, chữa bệnh, ngành Y tế các địa phương, đặc biệt là các bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng khẩn trương xây dựng và triển khai kế hoạch dự trữ thuốc, bảo đảm sẵn sàng cung ứng đủ thuốc, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng thiếu thuốc. Trong đó, cần lưu ý dự trữ các loại thuốc phục vụ công tác cấp cứu, phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là Covid-19; thuốc phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh trong dịp Tết và mùa lễ hội đầu năm cũng như thuốc điều trị các bệnh thường xảy ra trong mùa đông - xuân như sốt xuất huyết, cúm A, tay chân miệng, sởi, rubella, tiêu chảy do vi rút Rota, các bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa…
Cùng với đó, ngành Y tế các địa phương cần chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh thuốc triển khai kế hoạch dự trữ đầy đủ và tăng cường biện pháp quản lý, không để xảy ra tình trạng tăng giá đột biến vào dịp nghỉ lễ kéo dài và khi bùng phát dịch bệnh. Lưu ý, cần tổ chức các điểm trực bán thuốc 24/24 giờ và công bố thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời đáp ứng nhu cầu thuốc của người bệnh.
Các bệnh viện cần chủ động hợp tác với cơ sở cung ứng thuốc để đặt hàng, theo dõi tiến độ giao hàng, khẩn trương thực hiện mua sắm bổ sung khi có nguy cơ thiếu thuốc hoặc giao hàng không kịp tiến độ. Với các cơ sở sản xuất, nhập khẩu, bán buôn, bán lẻ thuốc cần tăng cường nguồn cung, xây dựng và thực hiện kế hoạch cung ứng thuốc, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng đầu cơ, không lợi dụng dịp Tết để tăng giá thuốc.
Một nhiệm vụ cũng rất quan trọng là lực lượng thanh tra y tế các cấp cần phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy chế chuyên môn về dược và các quy định sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu thuốc. Đặc biệt, cần xử lý nghiêm minh khi phát hiện trường hợp buôn bán thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không được phép lưu hành và tình trạng găm hàng, tăng giá… Chỉ có như vậy mới bảo đảm cung ứng đầy đủ thuốc cho nhân dân trong mọi tình huống.