Phối hợp liên ngành tạo nguồn lực mới
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:01, 15/12/2022
Sự phối hợp liên ngành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng nhu cầu về dinh dưỡng cũng như tiêu dùng nông sản an toàn của người dân. Những nỗ lực phối hợp kiểm soát, nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp của các bộ ngành, địa phương trong thời gian gần đây là rất đáng ghi nhận. Tuy nhiên, tình trạng “cắt khúc”, “phân đoạn” trong chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm từ đồng ruộng đến thị trường tiêu thụ và bàn ăn của mỗi gia đình vẫn là vấn đề “nóng”, nhiều “khoảng trống” chưa được xử lý hiệu quả, dẫn tới những lệ lụy về an toàn thực phẩm mà người tiêu dùng phải gánh chịu.
Cũng vì vậy, nông sản an toàn đã và sẽ là vấn đề thu hút ngày càng nhiều sự quan tâm của xã hội. Mặt khác, thị trường sản phẩm nông nghiệp đang có nhiều thay đổi khi người tiêu dùng đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng, dinh dưỡng cũng như việc truy xuất nguồn gốc (cả với thị trường trong nước và xuất khẩu). Do vậy, nếu các nhà sản xuất, kinh doanh nông sản không thay đổi tư duy thì sẽ không tìm được chỗ đứng trên thị trường. Mặt khác, không thể không nói đến chính quyền địa phương trong vai trò kiểm soát chất lượng sản phẩm.
Vậy, làm thế nào để có ngày càng nhiều sản phẩm nông nghiệp nâng cao sức khỏe cho người dân; làm thế nào để bảo vệ môi trường mà vẫn bảo đảm sinh kế cho người sản xuất; làm thế nào để thúc đẩy thương mại nông sản cho nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu? Rất nhiều bài toán đang đặt ra.
Để nâng cao hiệu quả liên kết giữa các ngành, các địa phương hướng tới một nền nông nghiệp bền vững, một hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, có trách nhiệm với người tiêu dùng…, ngành Y tế cần phối hợp chặt chẽ với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường các giải pháp bảo đảm an toàn thực phẩm. Mặt khác, cùng với việc triển khai các chương trình giải quyết vấn đề suy dinh dưỡng tại khu vực vùng sâu, vùng xa…, cần nghiên cứu chế độ dinh dưỡng ở các lứa tuổi phục vụ mục tiêu nâng cao sức khỏe cho người dân. Ngành Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, điều chỉnh hạn mức sử dụng đất nông nghiệp, tích tụ đất đai, thúc đẩy sản xuất lương thực, thực phẩm…
Bên cạnh việc hỗ trợ đầu tư kho dự trữ, nhà máy chế biến để bảo quản và chế biến sâu sản phẩm nông nghiệp, bảo đảm yêu cầu về an toàn thực phẩm, thúc đẩy xuất khẩu nông sản Việt Nam ra thị trường thế giới, ngành Công Thương cần phối hợp với ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường thông tin dự báo, định hướng các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất theo tín hiệu thị trường; đồng thời xúc tiến thương mại nông sản trên các nền tảng số để sản phẩm bảo đảm chất lượng đến với người tiêu dùng nhanh nhất.
Phối hợp liên ngành sẽ tạo nguồn lực mới hướng tới xây dựng một hệ thống lương thực, thực phẩm có trách nhiệm, trong đó, vai trò quản trị, điều hành có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Do vậy, bên cạnh một cơ chế liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chức năng của các ngành, cần rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc kết nối chuỗi giá trị và kiểm soát chất lượng sản phẩm.