Chính sách đúng để hóa giải thách thức

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 19/12/2022

(HNM) - Năm 2022 sắp kết thúc với nhiều biến động trên thế giới tiếp diễn khi hầu hết các quốc gia đều thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát và sự mất giá của đồng nội tệ; một số nền kinh tế lớn có dấu hiệu suy thoái. Trong khi đó, tình hình dịch Covid-19, căng thẳng địa chính trị, cạnh tranh chiến lược vẫn diễn ra phức tạp; nhu cầu thị trường thế giới giảm sút cộng với việc đứt gãy nguồn cung chưa được khắc phục đã tác động mạnh đến thương mại và sản xuất kinh doanh của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Chống lại những tác động tiêu cực từ bên ngoài, không cách nào khác là phải tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, chắc chắn, linh hoạt, hiệu quả - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Thường trực Chính phủ với một số bộ, ngành về chính sách kinh tế vĩ mô, tài khóa, tiền tệ diễn ra ngày 6-12 mới đây. Trên thực tế, chỉ đạo này là sự nối tiếp những chỉ đạo xuyên suốt của người đứng đầu Chính phủ trong suốt thời gian qua.

Theo đó, trong bối cảnh năm 2022 có nhiều biến động, khó khăn hơn nhiều so với các dự báo, Chính phủ và các bộ, ngành đã có phản ứng chính sách về tài khóa, tiền tệ linh hoạt, kịp thời và phù hợp với thực tiễn, làm giảm thiểu tác động bởi những “cú sốc” từ thị trường thế giới, giúp nền kinh tế vững vàng trước “sóng gió”. Ngân hàng Nhà nước đã điều hành chính sách tiền tệ đúng, trúng, linh hoạt, thận trọng, kịp thời, chủ động trước các biến động của tình hình thế giới. Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng trong bối cảnh nền kinh tế vừa hồi phục sau đại dịch Covid-19.

Tuy nhiên, tình hình trong nước vẫn tiếp tục đặt ra thách thức mới, nhiều doanh nghiệp đang thiếu hụt đơn hàng, gia tăng nguy cơ người lao động bị mất việc; giá xăng, dầu vẫn trên đà bất ổn; nguồn cung ứng nguyên, nhiên liệu đầu vào cho nhiều ngành sản xuất có thể đứt gãy; thị trường bất động sản và hoạt động của doanh nghiệp trong lĩnh vực này tiềm ẩn rủi ro… Do vậy, các cấp, các ngành tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong chuẩn bị giải pháp ứng phó với biến động tình hình thế giới. Mặt khác, cần có biện pháp thực chất trong việc chuyển hóa các chỉ đạo của Trung ương trên văn bản thành các giải pháp thiết thực trong cuộc sống, tạo cơ hội phát triển nhiều nhất, mạnh nhất cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, ngành Ngân hàng cần triệt để thực hiện yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm thanh khoản, ổn định hệ thống ngân hàng an toàn; thực hiện tăng hạn mức tín dụng hợp lý, hiệu quả cho các doanh nghiệp hoạt động đúng pháp luật, đúng mục tiêu, tập trung vào 3 đột phá chiến lược và 3 động lực tăng trưởng gồm đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu...

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức tín dụng cả năm thêm 1,5-2%, tương đương tăng khoảng 200.000 tỷ đồng so với trước đó nhằm tạo dư địa hỗ trợ các doanh nghiệp, dự án, lĩnh vực cần thiết trong nền kinh tế. Cùng với đó, ngày 15-12 vừa qua, tại hội nghị nhằm thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh (do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức), các ngân hàng đã thống nhất áp dụng mức lãi suất huy động tối đa 9,5%/năm để giảm lãi suất cho vay... Trong tình hình này, ngành Ngân hàng cần kiểm soát chặt để dòng tiền tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, tăng nội lực cho nền kinh tế như: Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn; doanh nghiệp nhỏ và vừa; doanh nghiệp phục vụ cho xuất khẩu... Cùng với đó, hệ thống ngân hàng cần tiếp tục cắt giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người vay vốn...

Để thực hiện được những chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, một điều rất cần thiết là các ban, bộ, ngành, cơ quan chức năng cần cầu thị, lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế về việc phản biện, hiến kế trong quá trình xây dựng, ban hành và thực thi chính sách. Tăng cường dự tính, dự báo về xu hướng, tình hình phát triển trong ngắn hạn, dài hạn của khu vực, thế giới, nhất là nắm chắc diễn biến thị trường tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản... để hệ thống ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp không bị động trước những khó khăn bất ngờ. Thậm chí, nếu giữ được thế chủ động, chúng ta có thể đảo chiều, để trong “nguy” tìm được “cơ”, tạo ra động lực phát triển mới.

Thực tế cho thấy, việc giảm, giãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí của Nhà nước dành cho người dân, doanh nghiệp trong thời gian qua đã rất phát huy hiệu quả và chứng minh rằng, những hỗ trợ trúng, đúng của Nhà nước là "đòn bẩy" vô cùng quan trọng. Vì thế, những chính sách tương tự cần được nhìn nhận thấu đáo, soi chiếu vào thực tế để tiếp tục có giải pháp linh hoạt, chủ động, tạo "sức đề kháng" mạnh trước mọi biến động đến cả từ bên trong bên ngoài nền kinh tế. Khi đã ở thế chủ động, chắc chắn, chính sách tiền tệ sẽ hóa giải thành công những thách thức đang đặt ra...

Thiện Mỹ