Chung sức vì người lao động
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 20/12/2022
Thực tế cho thấy, từ đầu năm 2022 đến nay, mặc dù chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid-19, nhưng các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định hoạt động doanh nghiệp, góp phần tạo việc làm, cải thiện thu nhập của người lao động, giảm tỷ lệ thất nghiệp, cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả thị trường lao động. Theo thống kê, lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong 9 tháng năm 2022 là 50,5 triệu người, tăng 1,5 triệu người so với cùng kỳ năm 2021; số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động gần 1,08 triệu người, giảm 251.000 người so với cùng kỳ năm trước.
Con số rất đáng chú ý là cũng trong khoảng thời gian trên, thu nhập bình quân của người lao động đạt 6,6 triệu đồng/tháng, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2021, tương ứng tăng 727.000 đồng. Nếu so cùng thời kỳ năm 2019, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện thì con số này tăng 11,8%, tương ứng tăng 693.000 đồng.
Những con số về thị trường lao động, việc làm, thu nhập đều tăng trưởng là tín hiệu đáng mừng, góp phần quan trọng giúp đời sống người lao động được ổn định. Tuy vậy, với những dự báo về tăng trưởng kinh tế khó khăn đang ở phía trước, vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động càng cần phải quan tâm hơn, bởi đây là thời điểm cuối năm và Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 đã cận kề, ai cũng mong mọi việc ổn định để chăm lo cho gia đình được đủ đầy, tươi vui.
Với tầm quan trọng như vậy, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp một mặt thực hiện nghiêm, hiệu quả Công điện số 1170/CĐ-TTg, mặt khác cần tập trung thực hiện hiệu quả các mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, ổn định các loại thị trường, tháo gỡ khó khăn, tập trung nguồn lực cho các động lực tăng trưởng như đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng… Qua đó bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và duy trì ổn định, phát triển thị trường lao động an toàn, bền vững.
Đặc biệt, trong thời gian này, cơ quan chức năng cần tiếp tục tập trung rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng địa phương, từng vùng, từng ngành, lĩnh vực; đẩy mạnh các hoạt động kết nối cung cầu lao động, tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động, bảo đảm cung ứng lao động kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp dịp cuối năm và đầu năm 2023. Cùng với đó, thường xuyên nắm tình hình về hoạt động sản xuất, kinh doanh, về tuyển dụng, sử dụng lao động, cắt giảm việc làm trong doanh nghiệp; kịp thời hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện các chế độ, chính sách, thanh toán đầy đủ tiền lương, tiền thưởng theo đúng quy định của pháp luật và các thỏa thuận, nội quy, quy chế của doanh nghiệp, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động.
Hơn hết, các cấp, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cần chung sức, đồng lòng tập trung khắc phục mọi khó khăn, vượt qua thách thức, duy trì sự ổn định và phát triển sản xuất, kinh doanh để bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.