Cái “bắt tay” mang nhiều ý nghĩa
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:40, 23/12/2022
Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư sẽ giới thiệu, cập nhật các nhà sản xuất, kinh doanh uy tín tham gia gian hàng trực tuyến trên GrabMart, Grab Việt Nam hỗ trợ, tư vấn cách thức quản lý, vận hành đơn hàng thông qua nền tảng công nghệ… và hai bên cùng phối hợp xây dựng các chính sách ưu đãi, chương trình truyền thông… Sự hợp tác này không chỉ nhằm mục đích thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới hay thử nghiệm phát triển kênh bán hàng trên nền tảng trực tuyến GrabMart, mà còn hướng tới mục tiêu xa hơn là ứng dụng công nghệ trong kết nối tiêu thụ nông sản; thúc đẩy chuyển đổi số cho các hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
Có một thực tế là, khu vực kinh tế tập thể ở nước ta chưa phát triển như mong muốn. Năng lực nội tại, mô hình quản lý, trình độ khoa học công nghệ… của đa số hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc kết nối tiêu thụ sản phẩm luôn là vấn đề dẫn đến giá cả bấp bênh, thu nhập của các thành viên thiếu ổn định. Do vậy, cùng với thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm theo phương thức truyền thống thì việc chủ động hợp tác liên kết với doanh nghiệp để mở ra các kênh bán hàng mới trên nền tảng ứng dụng công nghệ là yêu cầu cấp thiết và không thể đảo ngược.
Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong chuyển đổi mô hình kinh tế hợp tác xã, giúp gia tăng giá trị sản phẩm gắn với chuỗi giá trị nông sản; đồng thời đưa sản phẩm nông nghiệp tiếp cận nhanh hơn với thị trường. Cũng vì thế, những mô hình liên kết hợp tác như của Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư với Grab Việt Nam cần được nhân rộng. Vấn đề ở đây không chỉ là mở ra kênh bán hàng bền vững, hiệu quả mà còn góp phần khắc phục những nội tại của nhiều hợp tác xã như quản trị hệ thống, tổ chức bộ máy… cũng như những khó khăn trong tiến trình chuyển đổi sản xuất, kinh doanh trên nền tảng số.
Những cái “bắt tay” giữa các hợp tác xã với doanh nghiệp là hết sức cần thiết, tuy nhiên, để tạo ra sự đa dạng của các kênh tiêu thụ sản phẩm trên nền tảng công nghệ, đặc biệt là chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác xã thì không thể dừng lại ở đó. Cùng với việc xây dựng hệ thống thông tin, các nền tảng số có tính kết nối, liên thông cao, ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu các cơ chế, chính sách cũng như những quy định cho việc truy xuất nguồn gốc nông sản trên nền tảng số. Mặt khác là phối hợp với các cơ quan chuyên ngành, các địa phương xây dựng chương trình, dự án; triển khai đồng bộ giải pháp hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật… cho các hợp tác xã thực hiện chuyển đổi số; đồng thời gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với chuỗi giá trị sản phẩm và chuyển đổi số.
Hy vọng rằng, với những cái “bắt tay” giữa hợp tác xã với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp, đặc biệt là việc triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ, chuyển đổi số trong kinh tế hợp tác xã thuộc lĩnh vực nông nghiệp sẽ có nhiều chuyển động tích cực.