Tạo đột phá cho chế biến nông sản

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:35, 30/12/2022

(HNM) - Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp tối ưu để nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hà Nội đã tập trung xây dựng vùng nguyên liệu, hình thành các chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm...; từng bước cơ cấu lại công nghiệp chế biến nông sản và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, năng lực chế biến nông sản của Hà Nội mới đạt khoảng 20% nhu cầu thực tế. Tình trạng nông sản “sáng tươi chiều héo”, “được mùa mất giá”… vẫn diễn ra ở nhiều địa phương. Vậy, làm thế nào để tạo đột phá mới cho ngành chế biến nông sản Thủ đô?

Tại nhiều quốc gia trên thế giới, mức độ chuyên sâu trong bảo quản, chế biến sản phẩm nông nghiệp được xem là một chỉ số phát triển. Nói cách khác, sự đa dạng và chất lượng các sản phẩm chế biến là thước đo trình độ kỹ thuật, công nghệ. Trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế, dù đã có nhiều nỗ lực, song công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội vẫn còn một khoảng cách khá xa so với mục tiêu phát triển.

Hà Nội có hàng nghìn cơ sở chế biến nông sản, nhưng đa phần (98%) có quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu sản xuất thủ công. Số lượng dây chuyền sản xuất có công nghệ hiện đại cũng như hệ thống kho bảo quản rất hạn chế… Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp đã thẳng thắn nhìn nhận: Ngành công nghiệp chế biến nông sản của Hà Nội còn nhiều tồn tại, bất cập, chưa xứng với tiềm năng của nông nghiệp Thủ đô cũng như những đòi hỏi từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhằm tạo đột phá mới, nâng cao năng lực chế biến sản phẩm nông nghiệp, Hà Nội đã, đang triển khai nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực này. Thành phố cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể như: Đến năm 2025, Hà Nội có 50% cơ sở sơ chế, chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao, bảo quản sản phẩm theo quy trình tiên tiến; đến năm 2030 hình thành 15 cơ sở chế biến nông sản gắn với chuỗi giá trị, có năng lực cạnh tranh; hình thành một khu phức hợp chế biến, bảo quản, kiểm định “một cửa” hỗ trợ sản phẩm xuất khẩu…

Để hiện thực hóa các mục tiêu nêu trên, cơ cấu lại ngành chế biến nông sản của Thủ đô theo hướng hiện đại, bảo đảm nhu cầu tiêu dùng nội địa và xuất khẩu... cần có những giải pháp căn cơ và toàn diện. Trước hết là rà soát, quy hoạch lại các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung với những nhóm sản phẩm phù hợp lợi thế của từng địa phương, gắn với cơ giới hóa đồng bộ sản xuất. Qua đó bảo đảm số lượng, chất lượng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến nông sản.

Ngành Nông nghiệp cần nghiên cứu đề xuất thành phố ban hành cơ chế, chính sách thúc đẩy liên kết chặt chẽ các khâu sản xuất - chế biến - tiêu thụ theo chuỗi giá trị; thu hút các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, công nghệ làm “đầu tàu” dẫn dắt hoạt động. Mặt khác, khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã chuyển dịch cơ cấu sản phẩm theo hướng chế biến sâu, chế biến tinh, từ đó nâng tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Cùng với đó là đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; thành lập các đơn vị phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng cao; hỗ trợ doanh nghiệp chế biến đầu tư thiết bị và ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Mặt khác là thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, khai thác, vận hành; đẩy mạnh phát triển thị trường và xúc tiến thương mại.

Đồng bộ triển khai nhiều giải pháp, ngành chế biến nông sản Hà Nội sẽ tạo đột phá mới, mang lại hiệu quả tích cực trong đời sống kinh tế - xã hội. 

Thế Văn