Chủ động trong “sân chơi” mạng xã hội

Góc nhìn - Ngày đăng : 14:06, 07/01/2023

(HNMCT) - Không gian mạng là môi trường và phương tiện kết nối mọi người hết sức hiệu quả nhưng cũng ẩn chứa nhiều rủi ro, cạm bẫy, nhất là khi nhu cầu tăng tương tác để kinh doanh, quảng cáo online ngày càng cao. Đó là nguồn cơn khiến tin giả, tin thiếu chính xác, độc hại, giật gân câu khách có xu hướng tăng. Nếu không cẩn trọng, rất dễ rơi vào “bẫy” rồi like, comment, share, tác động tiêu cực tới người khác và xã hội.

Đơn cử như mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện clip một thanh niên bị bạn dùng điếu cày đánh chết do... chê bạn không biết đẻ con trai. Clip này được lan truyền với tốc độ chóng mặt. Kèm theo đó là đủ lời bình phẩm ở nhiều góc độ. Cơ quan chức năng lập tức vào cuộc xác minh và cũng rất nhanh, chính người “đã chết” lập tức lại xuất hiện trong một clip khác và cho rằng chỉ dựng clip để cảnh tỉnh những người hay phân biệt giới tính và chiếc điếu cày được làm bằng... giấy. Nhiều người được một phen chưng hửng. Điều đáng nói là đây không phải lần đầu những clip như vậy đánh lừa được cộng đồng mạng xã hội.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tin giả trên không gian mạng là những thông tin sai sự thật được cố ý đăng tải, lan truyền nhằm mục đích không chính đáng, gây hiểu lầm cho người đọc, người xem hoặc những thông tin có một phần sự thật nhưng không hoàn toàn chính xác do không được kiểm chứng, xác minh hoặc bị phóng đại, suy diễn, làm thay đổi bản chất của sự việc, thường xuất hiện dưới dạng tin tức và được lan truyền chủ yếu trên mạng xã hội.

Đáng lo ngại, tin giả có thể được tạo ra bằng nhiều phương thức tinh vi như làm giả tiếng, giả hình, giả video và xuất hiện dưới dạng video, clip ngắn trên YouTube, TikTok hoặc bài viết trên Facebook được trình bày giống như một tin báo chí...

Để ngăn chặn, sàng lọc tin giả, mới đây, Bộ Thông tin và Truyền thông đã chính thức công bố “Cẩm nang phòng chống tin giả, tin sai sự thật trên không gian mạng”. Có thể nói, việc ban hành cẩm nang là hết sức cần thiết bởi nước ta là một trong những quốc gia có dân số sử dụng internet tích cực nhất trên thế giới với hơn 72 triệu người. Xu hướng đọc tin và sử dụng mạng xã hội để chia sẻ thông tin ngày càng tăng.

Với nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, cẩm nang giới thiệu cách nhận biết, phân biệt, tránh bẫy và cả cách xử lý khi gặp tin giả, tin sai sự thật. Theo đó, việc xác định một tin giả, sai sự thật cũng không quá phức tạp bởi những tin này thường có các dấu hiệu: Tiêu đề giật gân, nội dung mới lạ thường đề cập tới một vấn đề “nóng” đang được quan tâm; không có nguồn gốc hoặc nguồn tin không rõ ràng; xuất phát từ những trang web, tài khoản, kênh thông tin không phải báo chí chính thống hoặc cơ quan nhà nước. Khi nghi ngờ thì người dùng mạng xã hội cần lập tức kiểm tra nguồn tin, tác giả, thời gian xuất hiện, tính logic thông tin và đối chiếu với thông tin chính thức từ cơ quan chức năng hoặc báo chí chính thống thay vì vội vã bình luận, chia sẻ thông tin để rồi có thể bị phạt do lan truyền tin giả.  

Việc xem ra cũng đơn giản. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở nhận thức và hành động của mỗi cá nhân. Người có nhận thức tốt và hành động trách nhiệm trên không gian mạng thì chỉ cần suy nghĩ kỹ, kiểm tra thông tin theo đúng hướng dẫn trước khi bình luận, chia sẻ thông tin. Tuyệt đối không lan truyền, bình phẩm về những thông tin không rõ nguồn gốc. Làm như vậy thì sẽ tránh bị vạ lây bởi mức phạt với cá nhân tung tin giả, tin sai sự thật, cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân lên đến 5 - 10 triệu đồng, nếu mức độ nghiêm trọng thì còn có thể bị xử lý hình sự, phạt tù. Đây không phải thông tin mới mẻ, nhưng chắc hẳn không ít người sử dụng mạng xã hội còn chưa biết dù báo chí liên tục thông tin về các cá nhân bị phạt ở mức 7,5 triệu đồng.

Vì sự an toàn cho bản thân và cộng đồng, thiết nghĩ, mỗi người cần dành thời gian nghiên cứu kỹ các cẩm nang, hướng dẫn, quy định của cơ quan chức năng trước khi bước vào “sân chơi” mạng xã hội. Nắm chắc quy định, thạo luật thì chắc chắn sẽ chủ động hơn trong “cuộc chơi”, từ đó có đóng góp tích cực, thiết thực cho xã hội.

Mai Lâm