“Nói không” với rượu bia khi lái xe
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:30, 14/01/2023
Thực ra chuyện cũng không có gì đáng nói nếu như cả hai đám giỗ ấy không có chung một điểm khác biệt so với mọi khi, ấy là phần lớn con cháu cũng như khách mời đều gần như “nói không” với bia rượu! Và cũng bởi thế mà bên cạnh những hàn huyên, tâm sự liên quan đến gia đình, họ mạc thì thông tin mang tính thời sự được đề cập nhiều nhất trong hai đám giỗ là đang dịp cao điểm xử phạt vi phạm nồng độ cồn, với rất nhiều câu chuyện, dẫn chứng cụ thể, ví dụ như “anh A… ở cơ quan em bị xử phạt 35 triệu (đồng), tước bằng lái xe (ô tô) mấy tháng sau cuộc liên hoan tất niên”, “cậu B. bảo vệ chỉ vì mấy cốc bia buổi trưa uống với anh em mà nhận mức phạt “kịch khung” tới 7 triệu đồng, thu bằng lái xe máy 2 tháng… Có lẽ do các ví dụ đều "trực quan, sinh động” mà người nọ nhắc người kia, thậm chí lắm vị đàn ông chẳng những làm gương mà còn ra điều răn đe con cái, chẳng bù cho mọi khi... Tất nhiên vẫn có vài trường hợp “nhiệt tình”, chẳng hạn như gia chủ, hay cậy nhà liền kề (như tôi), hoặc mấy vị khách từ trước đó đã xác định “đi xe ôm, grab cho lành”!
Đem câu chuyện trong đám giỗ kể với đồng nghiệp cơ quan thì nhận được nhiều “còm men” tán đồng, không những thế còn được bổ sung dẫn chứng về việc dịp này không ít người cũng bày tỏ thái độ dè dặt với đồ uống có cồn khi điều khiển phương tiện giao thông. Chưa dám nghĩ tới bước chuyển lớn trong nhận thức của cộng đồng, nhưng có vẻ như những thông tin gần đây trên báo chí, mạng xã hội về các trường hợp điều khiển phương tiện giao thông vi phạm nồng độ cồn đã bị cơ quan chức năng xử phạt có thể nói rất “nặng tay” đã khiến nhiều người phải e ngại trong việc “nâng lên đặt xuống” ở các cuộc liên hoan, tiệc tùng, cưới hỏi cuối năm!
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, bia rượu là một trong 3 nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tai nạn giao thông ở Việt Nam. Ước tính có khoảng 40% số vụ tai nạn và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan đến việc sử dụng bia rượu. Bình quân mỗi ngày cả nước có khoảng 700 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông bị cơ quan chức năng xử lý. Đáng nói là số liệu này đang có xu hướng gia tăng, nhất là vào thời điểm cuối năm âm lịch, giáp Tết và kể cả dịp lễ hội đầu xuân cũng rất có nguy cơ.
Tai nạn giao thông là điều không ai mong muốn, thế nhưng bi kịch vẫn thường xảy ra, để lại nỗi đau, nỗi ám ảnh kinh hoàng cho nhiều gia đình và gánh nặng vật chất với những người liên quan. Như đã nói ở trên, bia rượu là một nguyên nhân quan trọng gây tai nạn giao thông, bởi thế lâu nay các cơ quan chức năng, báo chí đã có khá nhiều thông điệp mang tính cảnh báo như “Đã uống rượu bia thì không lái xe”, “Phía trước tay lái là tính mạng”…, tuy nhiên với khá nhiều người dường như đây chỉ là những khẩu hiệu suông.
Chính vì vậy, để giữ gìn sự bình yên cho mọi gia đình và xã hội, bên cạnh việc đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao ý thức của người dân, các cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm nồng độ cồn trong khi điều khiển phương tiện giao thông, đặc biệt là “nói không” với mọi trường hợp can thiệp, tác động vào quá trình xử lý vi phạm nhằm giữ nghiêm kỷ cương phép nước.