An toàn trên hết
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:05, 18/01/2023
Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các hãng hàng không đã bố trí hàng nghìn chuyến bay, tương ứng hàng triệu ghế. Ngành đường sắt cũng tăng chuyến, bố trí thêm các đôi tàu trên tuyến Bắc - Nam và một số tuyến ngắn. Với đường bộ, các đơn vị vận tải sẵn sàng phương án giải tỏa hành khách trong những ngày cao điểm. Tuy nhiên, do việc đi lại trên các tuyến đường bộ giảm đáng kể, nhất là từ khi bùng phát dịch Covid-19, nên với số lượng phương tiện hiện có, các đơn vị vận tải hành khách đủ năng lực đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Đặc biệt, vào dịp trước Tết Nguyên đán, chiều từ phía Nam ra Bắc thường có nhu cầu đi lớn hơn chiều từ Bắc vào Nam và ngược lại ở dịp sau kỳ nghỉ Tết, nên các doanh nghiệp vận tải phải tính toán phương án bố trí phương tiện, tăng chuyến, tăng tải hợp lý, vừa phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh. Trong đó, yêu cầu về chất lượng dịch vụ là trên hết. Bởi khi lượng khách tăng, nhất là trong những giờ cao điểm, việc phục vụ và bảo đảm dịch vụ gặp không ít khó khăn. Tình trạng ùn ứ trong bến xe, nhà ga, sân bay chắc chắn sẽ xảy ra.
Vì thế, yêu cầu đặt ra đối với đơn vị vận tải là chủ động dự báo lượng khách để sẵn sàng tăng cường nhân lực, phương tiện. Thực tế cho thấy, để giảm tải trong những ngày cao điểm, ngành Hàng không đã tăng cường bay đêm, đồng thời khuyến cáo hành khách làm thủ tục trực tuyến tránh phải xếp hàng làm thủ tục tại sân bay. Các quầy làm thủ tục tại sân bay được mở tối đa để giải tỏa hành khách ở mức cao nhất. Ngành Đường sắt cũng đã triển khai kênh bán vé trực tuyến, hành khách dễ dàng lựa chọn phương án di chuyển hợp lý. Đi cùng với đó cũng cần nâng chất lượng phục vụ, chất lượng toa xe, chất lượng phòng chờ nhà ga để thu hút hành khách đi tàu nhiều hơn.
Với vận tải đường bộ, ngoài việc giải tỏa hành khách tại bến, việc bảo đảm chất lượng phương tiện, tiêu chuẩn người lái theo quy định và bảo đảm an toàn khi di chuyển trên đường là yêu cầu cao nhất. Thực tế, tai nạn giao thông đường bộ vẫn là vấn đề nhức nhối, chủ yếu liên quan đến phương tiện và người điều khiển phương tiện. Và khi nhu cầu đi lại gia tăng thì nguy cơ mất an toàn cũng tăng theo nếu không có sự kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Do đó, các doanh nghiệp vận tải và kinh doanh bến phải kiểm tra, rà soát phương tiện, người lái trước khi xuất bến; bảo đảm các thiết bị giám sát hành trình hoạt động thông suốt; bán vé đúng giá niêm yết.
Cùng với đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường kiểm tra trên đường, kịp thời ngăn chặn tình trạng xe chở quá số người quy định, nhồi nhét khách, phóng nhanh, vượt ẩu, gây mất an toàn giao thông… Mặt khác, lực lượng chức năng cần rà soát, xử lý tình trạng xe “dù”, bến “cóc” gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp kinh doanh nghiêm túc.
Đối với hành khách có nhu cầu đi lại trong dịp Tết, cần chủ động thu xếp thời gian, lên kế hoạch hợp lý và quan trọng nhất là phối hợp thực hiện các khuyến cáo của đơn vị vận tải cũng như cơ quan chức năng để có chuyến đi thuận tiện, an toàn nhất.
Tết đến, xuân về là dịp để các gia đình đoàn tụ. Vì thế, những chuyến đi an toàn sẽ góp phần mang đến cái Tết ấm áp với mọi gia đình.