Tăng cường kết nối cung cầu lao động
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:41, 28/01/2023
Tuy nhiên, xét trên bình diện chung, thị trường lao động ở thời điểm hiện nay còn nhiều vấn đề cần lưu ý. Đó là xảy ra tình trạng nơi thì thiếu lao động cục bộ nhưng có nơi lại thừa. Cụ thể, trong những tháng cuối năm 2022, có khoảng 600 doanh nghiệp bị thu hẹp thị trường, cắt giảm đơn hàng khiến khoảng 53.000 lao động mất việc làm.
Trong khi đó, cùng thời gian trên, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng khoảng 300.000 lao động.
Với thực tế nêu trên, trong năm 2023, cơ quan chức năng dự báo quý I và quý II, tình trạng thiếu lao động cục bộ sẽ tiếp tục diễn ra. Theo tính toán, nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khoảng 350.000-400.000 lao động ở các lĩnh vực khác nhau. Đây là cơ hội rất lớn cho người lao động tìm được việc làm phù hợp, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán Quý Mão.
Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cơ quan chức năng và các địa phương cần tăng cường các giải pháp kết nối để giúp cung cầu lao động gặp nhau. Theo đó, cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức điều tra nhu cầu sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp nhằm thu thập thông tin, đánh giá về thực trạng sử dụng và nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp làm cơ sở phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về lao động - việc làm.
Cùng với đó là tiếp tục chú trọng công tác dự báo và thông tin thị trường lao động; đồng thời nâng cao chất lượng các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm… Qua đó, chia sẻ, kết nối thông tin, nâng cao hiệu quả các hoạt động dịch vụ việc làm và tăng cường cập nhật thông tin thị trường lao động về người tìm việc - việc tìm người đến người lao động qua các kênh chính thống, uy tín.
Ở góc độ các doanh nghiệp, cần tăng cường năng lực sản xuất, kinh doanh để bảo đảm việc làm ổn định cho người lao động. Vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải giữ chân, thu hút người lao động, đặc biệt là đội ngũ nhân lực có chất lượng cao bằng những chính sách ưu đãi, hấp dẫn.
Với người lao động, bên cạnh tiếp cận những thông tin chính thống để tìm việc làm phù hợp, cần tiếp tục nâng cao trình độ tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp.
Về lâu dài, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục quan tâm thực hiện những giải pháp hoàn thiện, phát triển thị trường lao động đồng bộ, hiện đại; thúc đẩy chuyển dịch lao động, phân bổ hợp lý lao động; tạo thuận lợi trong việc tuyển dụng và sử dụng lao động của doanh nghiệp. Đặc biệt, cần tăng cường vai trò của Nhà nước trong việc giám sát, điều tiết cung - cầu lao động; thực hiện tốt công tác dự báo, khớp nối cung - cầu nhân lực trong cả nước, khu vực và gắn với thị trường lao động quốc tế, khu vực.
Một vấn đề cần lưu ý là việc hình thành thị trường lao động linh hoạt, đồng bộ, hiện đại, bền vững và mang yếu tố hội nhập phải đi cùng với xây dựng và phát triển hệ thống chính sách an sinh xã hội toàn diện, bao trùm và bền vững. Quan điểm nhất quán là: “Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để đánh đổi lấy phát triển kinh tế đơn thuần”. Bảo đảm việc làm cho người lao động là góp phần quan trọng vào ổn định và cải thiện đời sống của nhân dân.