Lợi thế, tiềm năng là động lực phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:39, 30/01/2023
Cùng với việc triển khai linh hoạt các giải pháp thúc đẩy sản xuất gắn với nhu cầu thị trường, phát triển làng nghề gắn với kinh tế nông thôn, Hà Nội đã tạo cơ chế khuyến khích người nông dân khai thác thế mạnh từ nông nghiệp - nông thôn hướng tới “mục tiêu kép” là hình thành những không gian thư giãn cuối tuần cho cư dân đô thị và tạo dựng làng quê thành nơi đáng sống của cư dân sở tại. Mặt khác, thành phố từng bước đầu tư phát triển các trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái…; hình thành các vùng cây giống chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển xanh của Hà Nội và các vùng phụ cận.
Tuy nhiên, nông nghiệp Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là, công nghệ bảo quản, chế biến nông sản chưa đáp ứng được nhu cầu nâng cao năng lực sản xuất, tỷ lệ sản phẩm chế biến sâu, chế biến tinh còn thấp; công nghiệp hỗ trợ hoàn thiện sản phẩm chưa phát triển… Trong khi đó, thành phố chưa tạo được cơ chế đột phá, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Để hóa giải những thách thức nêu trên, biến lợi thế, tiềm năng của từng vùng đất trở thành động lực phát triển, nông nghiệp Thủ đô cần mở hướng mới, tích hợp nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái với du lịch trải nghiệm… Trong đó cần chú trọng giải quyết bài toán quy hoạch nông nghiệp - nông thôn bảo đảm phát triển hài hòa, bền vững.
Cùng với việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các địa phương cần tập trung nguồn lực hình thành các vùng sản xuất hàng hóa chuyên canh có tiêu chuẩn kỹ thuật, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, kết nối với hệ thống dịch vụ logistics ứng dụng công nghệ số, bảo đảm truy xuất nguồn gốc… Qua đó tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu mới của thị trường nội địa và quốc tế.
Mặt khác là phát huy những lợi thế về nguồn lực kinh tế, tiềm lực “chất xám” để hình thành các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, các mô hình nông nghiệp thông minh, cơ giới hóa, tự động hóa từ sản xuất đến thu hoạch, chế biến… Đặc biệt là tạo cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp “đầu tàu” có năng lực tài chính, khoa học công nghệ để dẫn dắt phát triển các chuỗi giá trị, các cụm liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thăng Long - Hà Nội là đất trăm nghề, có nhiều sản vật, là nơi hội tụ nhiều nguồn lực, vấn đề lúc này là quyết tâm cao và những giải pháp mang tính đột phá, biến lợi thế, tiềm năng trở thành động lực, chuyển dịch cơ cấu, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp - nông thôn, nâng cao đời sống nông dân.