Hương vị Tết
Góc nhìn - Ngày đăng : 13:36, 04/02/2023
Nhịp sống ấy, với nhiều người, khác với gần chục ngày nghỉ Tết, khi dường như ai cũng có thể làm chủ thời gian, tùy hứng ăn, chơi, ngủ, nghỉ, đi lại. Bởi thế, đã sang tuần lễ rằm tháng Giêng mà đây đó trên mạng xã hội vẫn có dòng cảm thán “giá như ngày nào cũng là Tết”. Và, ngoài kia, hàng đoàn người vẫn nô nức du xuân dự hội lễ chùa, phát thanh viên truyền hình dẫn thông tin cảnh báo về nạn tắc đường, cò mồi, lừa đảo tại một số di tích, thắng cảnh danh tiếng vốn năm nào mỗi ngày cũng đón hàng vạn người đến du xuân vào dịp đầu năm... Nhịp sống công nghiệp nhưng cách vui xuân đâu đó có nét tựa như muôn năm cũ. Tất cả có lẽ phụ thuộc vào cảm nhận hương vị Tết của từng người. Trẻ mải vui, già lo hết việc. Những nghi thức không rõ có tự bao giờ vẫn cuốn người ta đi, suốt đời người.
Tôi nhớ khi xưa, đã nửa thế kỷ, ba ngày Tết là cả nhà tôi 4 người rong ruổi trên chiếc xe đạp của bố mẹ. Tết nội, tết ngoại, tết nhà anh em bà con gần xa. Tối về nhà lo đón hàng xóm sang chúc tết, rồi lại nhà người ta... chúc lại. Nhìn ra xung quanh, thấy ai cũng năng đi như nhà mình, không xe đạp thì tàu điện, thậm chí bộ hành... Lúc đó chúng tôi còn bé, không hiểu được người lớn cuối cùng là cảm thấy vui hay mệt mỏi với việc chạy quanh Hà Nội trong 3 ngày Tết sau khi đã tốn thời gian tâm sức xếp hàng mua gạo nếp, thịt thà, măng miến... để có được mâm cỗ Tết không đến nỗi nào. Đó là chưa kể lo bữa cơm tất niên, cúng giao thừa, cúng ngày mùng một, lễ hóa vàng...
Tết nay không hẳn vất vả như trước bởi mọi thứ sẵn rồi, không đến nỗi “đói quanh năm, no ba ngày Tết”. Nghi thức đón năm mới cũng không còn chặt chẽ như trước. Ở Hà Nội, mà có lẽ là nhiều thành phố khác nữa, nhiều gia đình cứ đến mùng 2 Tết là hóa vàng rồi dắt nhau đi tỉnh ngoài, về quê hoặc đến những điểm du lịch mà mình thích, thậm chí ra nước ngoài. Người ta cũng ít tới nhà người kém thân chúc tết, không phải cắt cử người ở nhà canh khách đến chơi, pha trà để đấy rồi một lúc sau lại pha ấm mới. Đồng nghiệp gặp nhau cả năm, thân sơ gì thì phần lớn đến Tết đều dành thời gian cho gia đình. Nghĩa là tính hình thức dần nhạt, văn minh và thực chất hơn.
Nhưng, nói như thế không có nghĩa Tết nay không còn bóng dáng của sự vất vả trong mỗi nhà. Vẫn cứ là sớm hôm sắm sửa ê hề để rồi ra Giêng đau đầu vì lo bảo quản thực phẩm thừa. Vẫn là trước Tết bận tâm quà cáp tứ phương rồi nhận lại từ người thân, bạn bè những thứ tương tự. Phụ nữ, phần lớn là họ, vẫn dậy sớm để làm cơm dù đa số thức ăn mang ra rồi lại cất vào. Vẫn là đào, quất, cúc, thược dược, violet đầy nhà dù biết trong không gian kín, hẹp thì hoa lấy hết ôxy của người. Vẫn là đổ về đình, đền, chùa nổi tiếng mới được, dù cầm chắc phải chen lấn...
Đầu tuần qua, nhà nhà đã quay trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày, nhưng hương vị Tết vẫn còn quanh quẩn. Trong sân chơi, các bà ru cháu hỏi nhau nhà còn mấy cái bánh chưng, đã đi lễ những đâu rồi, không thiếu câu “mệt vì Tết”. Vài người trẻ ngồi ăn sáng kể câu chuyện đưa cả nhà đi cắm trại ở Mộc Châu từ trưa mùng hai Tết, ăn thịt nướng chán rồi quay về Thanh Hóa “ăn đồ biển cho đỡ ngán”. Những đứa trẻ ăn khá uể oải, như muốn thêm vào câu chuyện của bố mẹ rằng chúng vừa kết thúc những ngày được ăn ngủ thoải mái... Tôi góp nhặt những điều được thấy được nghe trong những ngày vừa qua, càng ngộ ra rằng hương vị Tết thật đa dạng. Vui vẻ hay mệt mỏi, ý nghĩa hay vô nghĩa, thích Tết hay không phụ thuộc một phần lớn vào cách mà con người ta đón nhận và sử dụng những ngày nghỉ Tết như thế nào. Lên mạng, thấy các bạn trẻ khoe ảnh cắm trại ở một nơi cách nhà mấy trăm cây số vào cái ngày mà trước đây nhất nhất tề tựu ở nhà, thấy rõ một xu hướng bỏ bớt sự rườm rà, những thói quen chưa hẳn là phù hợp với đời sống hiện đại để hướng tới những ngày Tết vui vẻ, thoải mái, văn minh, nạp đủ năng lượng cho những ngày học tập, lao động vất vả trước mắt.