Nhẫn nhịn mù quáng...

Xã hội - Ngày đăng : 08:40, 20/08/2007

(HNM) - “Lỗi tại em. Tại em không tâm lý, nói nhiều nên chồng em giận”. - Chị M. (Ngọc Thụy, Long Biên) bị chồng đá giập lá lách, phải nằm viện 10 ngày, ra sức phân trần. Tâm lý “xấu chàng hổ... thiếp”, nhẫn nhịn một cách mù quáng đang đè nặng lên suy nghĩ của nhiều người vợ khiến họ vẫn phải chịu nhiều uất ức, đau đớn. Đó cũng là một lý do khiến bạo lực gia đình (BLGĐ) chưa giảm bớt.

Sợ“giúp đỡ”.

Chị H. (Đông Anh) đã đến Trung tâm Tư vấn, chăm sóc sức khỏe phụ nữ - Bệnh viện Đa khoa Đức Giang 3 lần, xin được trợ giúp. Chịlấy chồng đã 19 năm, có 2 con trai, 1 con gái. Quê chị ở Bắc Giang, quê chồng ở Thái Nguyên nhưng không trụ lại quê làm ăn được. Chị phải thuê nhà ở thôn P.H. ở, hằng ngày đi nhặt than rơi vãi từ các lò gạch về bán. Cuộc sống cơ cực nhưng chị vẫn chịu được nếu ông chồng không nát rượu, sống vật vờ, chẳng làm gì giúp vợ con nhưng ngày nào cũng mang chị và các con ra làm chỗ “trút hận đời”.

Chị Lê - hàng xóm của chị H. kể rằng: Vợ thì ngày nào cũng bị đánh, con thì hai ngày một trận, toàn dùng gạch, ống nước đánh, đập vào đầu, vào lưng, đến rách đầu, thâm tím mình mẩy. Điều lạ ở chỗ, chị H. không bao giờ chạy, không kêu la, hai tay cứ ôm lấy đầu, ngồi yên cho chồng đánh. Chính quyền xã cũng đã cho người xuống can thiệp, buộc người chồng ký giấy cam đoan không đánh vợ, không gây mất trật tự làng xóm nhưng khi hỏi, chị đều nói đỡ cho chồng: “Anh ấy chỉ lỡ tay, chúng tôi cãi nhau, mâu thuẫn ít thôi.”, “Người ta xui con gái tôi gửi đơn chứ tôi không bao giờ làm. Ai bảo tôi vừa già vừa xấu, nên chồng chê là phải thôi”.

Khi ông Nguyễn Ngọc Quyết, Giám đốc Trung tâm đến tận nhà thăm chị H., dự định gặp người chồng để tìm hiểu và có sự tư vấn, can thiệp hợp lý thì chị lại theo chồng lên xe chạy trốn. Ông Quyết tâm sự, giọng trĩu nặng nỗi buồn: “Những tưởng khi tìm đến với chúng tôi, chị H. đã sẵn sàng nhận sự giúp đỡ. Nhưng chị ấy lại trốn chạy. Cứ như chúng tôi còn đáng sợ hơn người chồng hằng ngày đánh đập chị ấy. Tôi lại học thêm một kinh nghiệm: Không phải lúc nào những người phụ nữ đang chịu BLGĐ cũng chấp nhận sự giúp đỡ. Nói đúng hơn, chúng ta chưa tạo ra cho họ “thói quen” nhận sự giúp đỡ của các cơ quan, đoàn thể. Những người phụ nữ bị BLGĐ chưa dám tin rằng họ có thể được giúp đỡ”.

“Phụ nữ càng yếu thế, nhẫn nhịn hoặc khi chồng đánh chỉ biết gục đầu xuống khóc thì những người vũ phu càng lấn lướt. Nâng cao tri thức, vốn hiểu biết để tự tin, hiểu quyền lợi của mình, biết đánh giá cao bản thân, biết lôi kéo những người xung quanh đứng về phía mình thì chị em mới có thể bảo vệ mình. Nếu ngay cả bản thân mình cũng không tự biết trân trọng thì làm sao yêu cầu chồng trân trọng. Không biết bảo vệ mình thì làm sao che chở cho các con”. 

Tiến sĩ Lê Thị Quý - Giám đốc Trung tâm Giới và Phát triển

Bệnh “ghét mình”.

Tự trách mình, ngụy biện cho chồng là tâm lý chung của nhiều người phụ nữ đang bị chồng bạo hành. Có người cho rằng mình xấu xí, ít học nên chồng chán, ruồng rẫy để đi với người phụ nữ khác. Có người lấy chồng không sinh được con nên chấp nhận thân phận người giúp việc, ở lại chăm sóc bố mẹ chồng đau ốm, âm thầm, nhịn nhục trong xó bếp, chấp nhận cả việc chồng mình đưa người đàn bà khác về ở, sinh con đẻ cái. Đến lúc bố mẹ anh ta mất, anh ta muốn lấy nhà, kiếm cớ đuổi vợ đi, chị mới dè dặt lên tiếng xin trợ giúp. Có người đổ tại rượu nên chồng mới “mất hết lý trí”, tại chồng yêu, chồng ghen nên mới đánh...

Một số chị em sợ hãi, thiếu tin tưởng vào sự can thiệp của chính quyền, đoàn thể. Dù có can thiệp nhưng chỉ can thiệp nửa vời bằng cách nhắc nhở, phạt hành chính thì chính quyền vừa quay lưng đi, người chồng lại đe dọa, đánh đập vợ. Vì thế, họ nín nhịn cho qua, hy vọng chồng sẽ có ngày thương xót vợ con mà dừng lại.

“Nhưng nín nhịn không triệt tiêu mà chỉ càng nuôi dưỡng bạo lực” - ông Quyết khẳng định. Gần 4 năm nay, ông đã tốn rất nhiều thời gian để giảng giải cho chị em về quyền làm vợ, quyền yêu cầu chồng tôn trọng, chia sẻ, giúp đỡ vợ. Và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù người vợ có lỗi nhưng nếu người chồng dùng bạo lực với vợ thì lỗi trước hết phải thuộc về người chồng. Khi có BLGĐ, người phụ nữ không nên nín nhịn, bỏ qua mà phải có chính kiến, phải biết cách kêu gọi sự giúp đỡ để thay đổi hành vi và quan niệm sai lầm của người chồng ngay từ trong “trứng nước”. Tuy vậy, mặc cảm về bản thân là “vũ khí” mà nhiều phụ nữ sử dụng để chống lại chính mình. Luôn cảm thấy mình có lỗi, chị em thường cho rằng cuộc đời mình như vậy là bỏ đi, buông xuôi, thiếu nỗ lực, thiếu tự tin và lòng tự trọng. Điều này khiến cho người chồng càng lấn lướt, cho phép mình có hành động bạo lực. Nhưng giá trị mà mỗi phụ nữ tự tạo lập sẽ quyết định lựa chọn và số phận của chính họ.

Ngọc Minh

ANHTHU