Duy trì hành vi ứng xử văn minh
Góc nhìn - Ngày đăng : 14:05, 11/02/2023
"Lý do lý trấu" thì nhiều, nhưng phạt thì vẫn phải phạt để bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, và hơn thế nữa nhằm bảo đảm an toàn cho người tham gia giao thông. Trên thực tế, số trường hợp vi phạm, bị phạt tăng nhưng số vụ tai nạn, số người bị thương, tử vong trong dịp Tết năm nay đã giảm so với dịp Tết năm trước. Dù phải điều chỉnh thói quen, nhưng đa phần người dân ủng hộ việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Trên thực tế, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, rất nhiều người thân, bạn bè của tôi cho biết, họ đã thẳng thắn từ chối lời mời uống bia, rượu “lấy may” khi đi chúc Tết với lý do phải điều khiển lái xe, kể cả là xe máy. Gia chủ cũng vui vẻ, không cố nài ép vì lý do chính đáng này. Nhiều người khi xác định không tránh được việc phải uống bia, rượu đã để người thân điều khiển phương tiện, hoặc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cho an toàn và đỡ... xấu hổ khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý. Rõ ràng, với sự ra quân đồng bộ, nghiêm túc của lực lượng chức năng, nhận thức, hành vi ứng xử văn minh “đã uống rượu, bia - không lái xe” đã được khẳng định, người dân đã có trách nhiệm hơn với chính bản thân và xã hội. Đó là dấu hiệu tích cực trong những ngày đầu xuân.
Quy định về xử phạt người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn đã được đề cập tới trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP về quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt - ban hành ngày 30-12-2019, có hiệu lực từ 1-1-2020.
Theo đó, mức phạt đối với người điều khiển phương tiện mà trong người có nồng độ cồn là rất cao. Cụ thể, đối với người điều khiển ô tô sau khi uống rượu, bia, mức phạt thấp nhất là 3 triệu đồng, cao nhất là 40 triệu đồng, kèm theo đó có thể là hình phạt bổ sung như tước giấy phép lái xe. Đối với người điều khiển mô tô, mức phạt thấp nhất là 2 triệu đồng, cao nhất là 8 triệu đồng, kèm theo có thể là hình phạt bổ sung là tước giấy phép lái xe. Cũng theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, ngay cả với người đi xe đạp, xe thô sơ, nếu trong người có nồng độ cồn cũng sẽ bị xử phạt từ 80 nghìn đồng đến 600 nghìn đồng...
Còn nhớ, khi mới có hiệu lực, Nghị định 100/NĐ-CP đã lập tức tạo một hiệu ứng tốt trong xã hội, khiến các “ma men” chùn tay mỗi khi có ý định nâng ly khi sau đó còn phải lái xe. Tiếc là sau đó, vì những lý do chủ quan, khách quan, đặc biệt là do dịch Covid-19, nên tình trạng sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện giao thông có dấu hiệu tái diễn. Không ít vụ tai nạn thương tâm đã xảy ra mà nguyên nhân do “ma men” dẫn đường, chỉ lối.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết do tai nạn giao thông có liên quan tới rượu, bia. Đó là lý do khiến dư luận nhiệt liệt ủng hộ việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Nhận thức của người tham gia giao thông đối với vấn đề sử dụng rượu, bia đã có sự thay đổi tích cực trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, cần được tiếp tục duy trì, phát huy mạnh mẽ hơn không chỉ trong dịp lễ hội xuân mà trở thành thói quen văn minh trong cuộc sống thường nhật. Để có được điều đó, ngoài ý thức của mỗi người, cần lắm việc duy trì công tác kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm.