Đường dài cho nông sản
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:07, 12/02/2023
Vùng nguyên liệu là nền tảng, là hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản… Phát triển các vùng nguyên liệu không chỉ khắc phục được một số bất cập của nông nghiệp nước nhà, như: Hạn chế về bảo quản, chế biến sản phẩm, hạ tầng logistics… hay sản xuất không theo kịp tín hiệu thị trường…, mà còn góp phần hình thành các chuỗi liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân; qua đó, phát triển một nền nông nghiệp hiện đại, bền vững.
Thời gian gần đây, cùng với đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, làng nghề…, Hà Nội và các địa phương đã triển khai nhiều chương trình, đề án phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy chế biến và mở rộng thị trường sản phẩm nông nghiệp. Cùng với công tác quy hoạch, lập bản đồ; thu thập thông tin; xác thực đánh giá…, việc đẩy mạnh cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đã mang lại hiệu quả bước đầu đáng ghi nhận, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và “mở cửa” thị trường chất lượng cao cho nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa vẫn còn nhiều vấn đề; việc tổ chức quản trị điều hành, đặc biệt là điều tiết nhu cầu cấp vùng và quản lý nhà nước về phát triển vùng còn nhiều hạn chế; việc tích tụ ruộng đất, đưa nông dân vào guồng máy sản xuất lớn của một nền nông nghiệp hiện đại còn nhiều bất cập; việc kết nối tiêu thụ sản phẩm, liên kết chuỗi giá trị nông sản còn nhiều hạn chế. Do vậy, phát triển vùng nguyên liệu đòi hỏi phải có những đột phá mới.
Tạo dựng “hành trang” cho những chặng đường dài phía trước, Hà Nội và các địa phương cần xác định: Vùng nguyên liệu là khâu đột phá, cần tập trung giải “bài toán” này, qua đó, tạo nền tảng thúc đẩy các khâu tiếp theo trong chuỗi giá trị nông sản; đồng thời minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng như chất lượng nguyên liệu “đầu vào” cho chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Thời gian tới, ngành Nông nghiệp cần hỗ trợ Hà Nội và các địa phương tập trung xây dựng các vùng nguyên liệu đạt chuẩn; đồng thời tăng cường giải pháp gắn kết giữa vùng nguyên liệu và các nhà máy chế biến. Cùng với việc tạo cơ chế phát triển nguồn nhân lực quản lý cho các hợp tác xã, doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo quy hoạch vùng nguyên liệu, cần nâng cao năng lực quản trị về cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất, qua đó thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, cấp mã vùng trồng…
Mặt khác là thực hiện đồng bộ các chính sách về tín dụng, bảo hiểm nông nghiệp; chú trọng quản lý chất lượng vùng trồng gắn với chuỗi giá trị nông sản; tạo điều kiện thuận lợi liên kết doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân với vùng nguyên liệu tập trung; đồng thời tạo cơ chế đột phá thu hút doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường… Qua đó, chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp phù hợp với yêu cầu của thị trường và quản lý hiệu quả nguồn cung sản phẩm.
Các vùng nguyên liệu hàng hóa là nền tảng để nông nghiệp nước nhà bước vững chắc trên đường hội nhập và phát triển.