Đột phá cho phát triển
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:54, 13/02/2023
Thực tế triển khai đã chứng minh những tác động to lớn của công cuộc cải cách hành chính. Chỉ xét riêng về mặt cải cách thủ tục hành chính, trong năm 2022, các bộ, ngành, địa phương đã cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh...
Cũng từ công tác cải cách hành chính, số lượng, chất lượng và hiệu quả cung ứng, giải quyết dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4 ngày càng được nâng cao. Thủ tục hành chính trong các lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, hộ khẩu, đầu tư, đăng ký doanh nghiệp, hải quan, thuế…, đã bớt nhiều công đoạn rườm rà, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp vào hoạt động phục vụ của các cơ quan công quyền.
Những cải cách này đã tạo thuận lợi, giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp; qua đó giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, qua công tác này, nguồn nhân lực trong bộ máy cơ quan hành chính nhà nước cũng được thanh lọc, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân...
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận, công tác cải cách hành chính diễn ra không đồng đều, còn có lúc có nơi hình thức; đâu đó vẫn còn tình trạng thụ động, né tránh trách nhiệm nên không dám đổi mới, không dám đề xuất thay thế, loại bỏ những quy định, cách làm cũ không còn phù hợp...
Trong điều kiện nguồn lực đất nước còn hạn chế, chưa thể thực hiện đổi mới toàn diện thì cải cách hành chính chính là nền tảng quan trọng thúc đẩy các lĩnh vực khác cùng tiến bộ. Vì thế, “cần phát huy hơn nữa tinh thần chủ động, linh hoạt, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Khen thưởng kịp thời, xử lý vi phạm nghiêm minh” - như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính của Chính phủ tại phiên họp thứ ba của Ban Chỉ đạo, tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, diễn ra ngày 3-2 mới đây.
Tinh thần này cần được triển khai thông suốt trong toàn hệ thống cơ quan hành chính. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 (Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15-7-2021 của Chính phủ) đã chỉ rõ, cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030 tập trung vào 6 nội dung: Cải cách thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; cải cách chế độ công vụ; cải cách tài chính công và xây dựng, phát triển chính phủ điện tử, chính phủ số. Như vậy, bộ “khung” của cải cách hành chính đã rõ. Điều quan trọng là các bộ, ngành, cơ quan, đơn vị hành chính cần soi rọi vào thực tiễn, nắm bắt những tồn tại, tìm giải pháp để xóa bỏ bất cập, mang lại lợi ích chung cho xã hội.
Người đứng đầu các bộ, ngành, cơ quan hành chính nhà nước cần xây dựng kế hoạch cải cách cụ thể trong từng giai đoạn, từng lĩnh vực; phân công rõ trách nhiệm và tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện. Gắn việc đánh giá kết quả cải cách hành chính với đánh giá trách nhiệm, năng lực lãnh đạo, quản lý của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.
Xét trên bình diện chung, đây không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính, mà là yêu cầu của toàn xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi đối tượng nhận thức đúng, đồng thuận với nội dung cải cách hành chính của Đảng, Nhà nước. Tăng cường sự tham gia của các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong giám sát, phản biện xã hội đối với hoạt động của các cơ quan hành chính khi thực thi nhiệm vụ. Coi trọng việc lấy ý kiến người dân khi xây dựng thể chế, chính sách; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức trong cung cấp dịch vụ công là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước.
Cái gốc của cải cách là từ con người và hướng đến lợi ích của con người. Vì thế, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đạo đức công vụ trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đi liền với các chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích hoàn thành tốt nhiệm vụ; đồng thời có cơ chế loại bỏ những người không hoàn thành nhiệm vụ, mất uy tín với nhân dân. Để khuyến khích sự dám nghĩ, dám làm, sự năng động, dám đổi mới, cần tạo động lực trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bằng cách đề cao trách nhiệm cá nhân, quan tâm chính sách lương, thưởng; đổi mới phương thức đánh giá dựa trên kết quả công việc...
Đặt trong mối tương quan chung, cải cách hành chính là con đường tiết kiệm chi phí nhất, nhưng lại có hiệu quả cao. Vì thế, công tác này cần được thực hiện triệt để, thực chất hơn nữa, để thực sự là khâu đột phá, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.