Phố Hàng Điếu

Xã hội - Ngày đăng : 10:26, 17/08/2007

(HNM) - Là một phố chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, từ phố Hàng Gà đến phố Đường Thành. Thời Lê đây còn là dải đất nằm trong Hoàng thành, sát ngay bức tường phía Đông.

(HNM) - Là một phố chạy dọc theo hướng Bắc - Nam, từ phố Hàng Gà đến phố Đường Thành. Thời Lê đây còn là dải đất nằm trong Hoàng thành, sát ngay bức tường phía Đông.

Năm 1804 vua Gia Long cho phá thành nhà Lê xây thành mới, lúc đó cho xây tường thành phía Đông lùi vào nên một dọc đất trật ra ngoài thành, trở nên các thôn nhỏ rồi sau thành các phố Hàng Cót, Hàng Gà, Hàng Điếu.

Cũng từ đây Hàng Điếu là đất thôn Yên Nội, tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ) huyện Thọ Xương cũ. Tổng này vốn có hai thôn Yên Nội, một là Yên Nội Cổ Vũ tức là khu vực Hàng Da và Yên Nội Đông Thành tức khu vực Hàng Điếu, Hàng Nón. Thực ra cái tên Hàng Điếu vốn là để chỉ đoạn giữa và cuối phố - còn đoạn đầu phố, cho tới thập kỷ 40 của thế kỷ XX dân chúng vẫn quen gọi là phố Nhà Hỏa (còn phố Nhà Hỏa hiện nay thì gọi là ngõ Nhà Hỏa) vì ở chỗ số nhà 30 là đền Nhà Hỏa, thờ Hỏa thần tức Ngũ hiển hoa quang đại đế, ông thần được coi là có uy lực trừ được hỏa hoạn. Trong đền có tấm bia Hỏa thần miếu bi ký (Bài ký miếu thần Lửa) do Vũ Tông Phan soạn năm 1841. Bài ký cho biết đền Hỏa thần được lập từ năm Minh Mạng thứ 19 (1838), lúc đó quy mô sơ sài. Đến năm Thiệu Trị thứ nhất (1841) mới mở rộng quy mô như ta thấy hiện nay.

Trong đền vốn có một quả chuông khá lớn, hễ quanh đấy có đám cháy thì đốt hương cầu thần và thỉnh chuông để báo động, kêu cứu hộ.

Cứ như tên gọi thì ngày trước hẳn đây là dãy phố bán các loại điếu hút thuốc lào, có thể là đủ loại: điếu cầy, điếu bát, điếu ống. Nhưng tới đầu thế kỷ XX ở đoạn giữa và cuối phố chỉ thấy còn có vài ba nhà (như nhà số 54, 62) làm nghề bịt bạc hai loại điếu ống và điếu bát, có bán thêm nõ điếu, xe điếu bằng trúc. Còn muốn mua điếu cầy thì lên chợ Đồng Xuân, điếu bát sang Hàng Bát Đàn, điếu ống sang Hàng Tiện (tức nay là đầu Hàng Gai và Tô Tịch). Cũng vào đầu thế kỷ XX, phố Hàng Điếu chủ yếu là làm bán các loại hàng da. Song khác với bên phố Hà Trung cũng là hàng da nhưng làm bán các loại cặp sách, yên ngựa, túi dết, túi súng và các hàng bằng da Tây cứng, còn ở Hàng Điếu làm bán các loại giày dép thông dụng bằng da ta (da thuộc, da lợn) như dép quai ngang, giày da lợn. Chục năm sau mới có những cửa hàng đóng giày tây và giày đầm, dép xăng-đan nam nữ, giày hạ (còn gọi là giày Gia Định) và bán cả guốc sơn màu gọi là guốc Sài Gòn. Đó là các cửa hiệu Cự Hiên, Phong Tài, Đông Phú ... Cũng khác với bên Hà Trung mà hầu hết người làm hàng da là quê làng Nành huyện Gia Lâm, còn bên Hàng Điếu chủ yếu là người làng Chắm ở huyện Gia Lộc, Hải Dương.

Ở Hàng Điếu còn có những cửa hiệu thuộc da của người Hoa như Đông Hòa, Mậu Xương... xen vào đó là vài hiệu thuốc đông y Nam Thiên đường, Tam Tinh y quán bán các loại cao đơn hoàn tán. Có hai hiệu bán sách kiêm xuất bản là Nhật Nam thư quán và Mai Lĩnh. Nhà Nhật Nam in các sách tiểu thuyết lịch sử một thời được hâm mộ của Nguyễn Tử Siêu như Việt-Thanh chiến sử, Hai Bà đánh giặc, Vua Bà Triệu ẩu...Nhà Mai Lĩnh in các sách thuộc nhiều loại văn học, sử học, y học dân tộc vv... các tác giả in sách ở NXB này có Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân...

Trong những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp cuối tháng 12-1946, Hàng Điếu là tuyến đầu của Liên khu I. Ngay sáng ngày 20 tháng 12 quân địch ở trong Thành có xe tăng đi trước từ Cửa Đông, tiến ra Đường Thành, chiếm Nhà thờ Tin Lành, bắn vào rạp Hàng Da (nay là rạp Hồng Hà) rồi 3 chiếc xe tăng tập trung hỏa lực công phá chiến lũy do tự vệ Hàng Điếu vừa mới đêm qua đắp chắn ngang đường. ở đó "ta có một tổ Vệ quốc quân, một chiến sĩ ôm bom ba càng vút ra, đâm bom ngang sườn xe tăng địch. Bom không nổ. Anh xoay mình lấy đà đâm lần thứ hai. Vẫn không nổ, bom thối! Nhờ đó lính địch trên xe trấn tĩnh lại, xả đạn vào anh! Không ai biết tên anh nhưng chẳng ai quên được hình ảnh dũng mãnh của anh. Anh ngã xuống tức thì các chiến sĩ tự vệ ở sau chiến lũy bật dậy, ném các chai xăng ngâm cờ-rếp vào xe tăng địch, đánh cháy 1 xe (Sách "Những người cảm tử"- tr.69 - NXB Hà Nội -1987).

Sau năm 1955, các nhà làm hàng da ở Hàng Điếu chuyển sang làm hàng bằng cách xẻ săm lốp xe ô tô cũ khâu thành gầu, chậu, thùng và dép lốp, dây chun buộc hàng... Đôi ba nhà còn giữ nghề da nhưng chủ yếu là vá chữa hàng da và đóng dép xăng-đan (thời này ít người đi giày).

Chỉ từ khi đi vào kinh tế thị trường Hàng Điếu thay đổi nhiều. Chẳng còn hàng da, hàng sách nữa mà hiện nay suốt dãy phố trên 200 mét này đa số là các cửa hàng chăn, đệm, rồi quần áo. Mộtsố nhà bán chè, chè mộc và chè ướp hương (như nhà số 10, 15). Một số bán bánh kẹo, ô mai, như nhà số 22 có bánh cốm, xu xê, mứt sen phục vụ đám cưới. Và khoảng hai chục năm trở lại đây, cứ tối đến thì ở cuối phố, đoạn từ cửa nhà thuốc của dược sĩ Nguyễn Đạt Chì trở xuôi đến đầu phố Yên Thái nổi lên các hàng bánh cuốn, xủi cảo, gà tần, mì vắn thắn được nhiều người sành ăn hâm mộ.

Từ bán điếu chuyển sáng bán giày dép da, in sách, rồi làm dép lốp và hàng quà bánh ăn uống, đó cũng là tính thích nghi cao của ngành nghề Hà Nội.

Nguyễn Vinh Phúc

ANHTHU