Hướng mạnh vào gốc rễ
Góc nhìn - Ngày đăng : 16:00, 26/02/2023
Mục đích của dự án nói trên không có gì khác ngoài góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm rác thải nhựa - điều gây ảnh hưởng lớn tới cảnh quan, môi trường cũng như mục tiêu phát triển du lịch bền vững và khả năng cạnh tranh của du lịch Việt Nam. Mà tình hình thì không khả quan, bởi theo chuyên gia về môi trường trong nước và nước ngoài, rác thải nhựa và túi nilon thật sự gây thảm họa cho môi trường nói chung, môi trường du lịch nói riêng, đặc biệt là đối với các điểm đến thu hút nhiều du khách. Người ta dẫn số liệu khảo sát từ cách đây 4 - 5 năm, cho thấy trung bình mỗi ngày, một du khách có thể thải ra môi trường hàng chục túi nilon, vỏ chai, vật dụng cá nhân bằng nhựa dùng một lần; hơn 60 triệu lượt khách du lịch trong nước và quốc tế có thể thải ra chừng hơn 100.000 tấn rác thải nhựa trong năm 2019 và nếu tình hình không được cải thiện thì tới năm 2030, con số này có thể cao gấp 3 lần...
Những báo cáo gần đây của ngành Du lịch cho thấy sau đại dịch Covid-19, lượng khách du lịch quốc tế tới nhiều quốc gia châu Á có mức tăng ấn tượng, thậm chí vượt mức đã đạt được vào năm 2019 - trước khi hoạt động du lịch đóng băng do dịch Covid-19 bùng phát, như Campuchia, Ấn Độ, Singapore, Lào... Du lịch Việt Nam chưa nằm trong nhóm nói trên. Nỗi lo là có thật, bởi càng ngày càng rõ ràng rằng vấn đề môi trường có ý nghĩa quyết định đối với sự hài lòng của du khách, đặc biệt là khách du lịch quốc tế, khách đến từ các nước phát triển và có khả năng chi tiêu cao. Hoài Anh, người Đức gốc Việt, hiện đang làm cho một hãng truyền thông quốc tế có tiếng, nói với người viết rằng cô từng được phân tới làm việc tại Bồ Đào Nha, Canada, đã tới Mỹ, Qatar, Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng mơ ước lớn nhất của cô là được chấp nhận làm việc tại Singapore - đảo quốc mà cô đánh giá là “nơi đáng sống, sạch hơn bất cứ nơi nào mà cháu từng qua”.
Trong bối cảnh hiện nay, khi môi trường du lịch tại Việt Nam trở thành vấn đề “nóng”, chúng ta vui mừng trước từng nỗ lực cải thiện môi trường, quy mô nhỏ cũng như lớn, như dự án nói trên, như khi những tình nguyện viên đã bỏ công sức thu gom rác thải tại các khu du lịch biển... Phía thực hiện dự án sẽ triển khai hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của người dân, du khách, doanh nghiệp du lịch về tác hại của rác thải rắn; thí điểm “Bộ tiêu chí công nhận doanh nghiệp du lịch không rác thải rắn”, thí điểm thực hiện các giải pháp giảm thiểu rác thải rắn tại một số điểm đến du lịch tại Ninh Bình, Quảng Nam...
Cách làm là khá bài bản, có sự kết hợp giữa tuyên truyền nâng cao nhận thức và giải pháp quản lý, tức là đã hướng đến cái gốc của vấn đề thay vì giải quyết phần ngọn là dọn rác. Tuy nhiên, rất khó để hình dung rằng những dự án có thời hạn như thế này có thể tạo ra sự chuyển biến mang tính bước ngoặt trong việc giảm thiểu lượng rác thải nhựa nói riêng, rác thải nói chung nếu nó không được thực hiện đồng bộ cùng các giải pháp khác mang tính thường xuyên, dài hơi, hướng thẳng vào mục tiêu giải quyết tận gốc vấn đề. Ở đây, gốc rễ vấn đề là nhận thức của khách du lịch, của phía cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống, giải trí, các đơn vị lữ hành và người dân sở tại về tác hại của việc xả thải bừa bãi ra môi trường cũng như việc sử dụng túi nilon, vật dụng bằng nhựa vô tội vạ. Đó còn là nhận thức, cách xử lý vấn đề của cơ quan quản lý hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp du lịch có hành vi xâm hại môi trường, tàn phá cảnh quan. Tận tâm, trách nhiệm, xử lý vi phạm một cách khách quan, công bằng dựa trên quy định của luật pháp, đó chính là cách ứng xử góp phần bảo vệ môi trường du lịch tốt nhất...
Du lịch Việt Nam có đủ tài nguyên, lợi thế để hướng đến đối tượng khách có khả năng chi tiêu cao. Mục tiêu phát triển du lịch bền vững cũng đã được khẳng định. Chỉ hai điều này thôi đã cho thấy chúng ta cần phải mạnh mẽ giải quyết dứt điểm vấn nạn ô nhiễm môi trường du lịch. Mà muốn vậy, tất yếu không thể cứ lờn vờn ở phần ngọn của vấn đề.