Ô nhiễm ở Bát Tràng: SOS

Xe++ - Ngày đăng : 08:34, 17/08/2007

(HNM) - Cách trung tâm thủ đô chừng 10 km là làng Bát Tràng-một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất gốm, sứ mỹ nghệ và dân dụng, với hơn 500 năm lịch sử hình thành, phát triển.

Hiện Bát Tràng vẫn còn một số hộ sản xuất gốm bằng than củi, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Trung Kiên

(HNM) - Cách trung tâm thủ đô chừng 10 km là làng Bát Tràng - một làng nghề truyền thống chuyên sản xuất gốm, sứ mỹ nghệ và dân dụng, với hơn 500 năm lịch sử hình thành, phát triển.

Bát Tràng nổi tiếng không chỉ ở trong nước, với những sản phẩm gốm sứ đa dạng về mẫu mã và chủng loại, nước men đặc biệt; mà với giá trị xuất khẩu mỗi năm đạt khoảng 13-14 triệu USD, gốm sứ Bát Tràng đang là một trong những mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam.

Nhưng, dường như người Bát Tràng đang mải mê theo đuổi lợi ích kinh tế, mà quên mất môi trường-một vấn đề thiết yếu với cuộc sống trước mắt cũng như lâu dài. Hiện, Bát Tràng có khoảng 1.150 lò nung gốm, trong đó 2/3 là lò gas hiện đại, còn lại là lò truyền thống vẫn nung bằng than củi, hằng ngày thải vào không khí một lượng khói bụi rất lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và sức khỏe của người dân. Từ năm 2000, Xí nghiệp X54 của Quân khu Thủ đô đã nghiên cứu thành công và đưa vào sử dụng lò nung gốm bằng gas ở Bát Tràng, vừa giảm được 50-60% lượng khói bụi và khí CO2, vừa tiết kiệm được gần 30% chi phí so với lò đốt bằng than. Tuy nhiên, do chi phí xây dựng, lắp đặt lò ga khá cao (khoảng 100-150 triệu đồng/lò), nên nhiều gia đình chưa đầu tư xây. Vì vậy, môi trường ở Bát Tràng vẫn còn nhiều mối nguy hiểm đe dọa.

Theo khảo sát mới đây của Sở Tài nguyên-Môi trường và Nhà đất Hà Nội, lượng bụi ở đây vượt quá mức tiêu chuẩn môi trường 3-3,5 lần, nồng độ các khí CO2 và SO2 trong không khí đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép từ 1,5-2 lần. Càng đi sâu vào trong làng, ô nhiễm càng nặng. Khắp nơi bao phủ một lớp bụi đất nung, bụi gốm. Con đường vào làng bụi mù mịt, nhất là khi có ôtô chạy qua. Không chỉ thải bụi, trung bình mỗi lò nung gốm bằng than ở Bát Tràng thải ra khoảng 2,5 tấn chất thải rắn cho mỗi mẻ nung. Cùng với đó, phế phẩm, phế liệu đất nung, gốm, sứ vỡ, hỏng chất thành những đống bên đường; mỗi khi mưa xuống, đường lầy lội, bẩn thỉu. Thêm nữa, hằng ngày, hàng trăm lượt xe công nông, xe tải chở nguyên vật liệu và thành phẩm ra vào gây ra tiếng ồn đáng kể.

Chị Nguyễn Thị Hà ở xóm 2 Bát Tràng cho biết, so với khoảng 5 năm trước, bây giờ đã bớt ô nhiễm hơn, do nhiều nhà đã chuyển sang lò gas, nhưng vẫn còn độc hại. Hầu hết các gia đình làm gốm ở đây đều có nhà ở nội thành. Mọi sinh hoạt và cho con cái học hành đều ở bên ấy, vì ở đây không chịu nổi. Họ chỉ qua đây xem xét tình hình sản xuất, lấy hàng. Bên này chỉ có cơ sở sản xuất và công nhân.

Bên cạnh đó, trong quá trình sản xuất gốm sứ, những hóa chất dùng để nâng cao chất lượng, bảo quản sản phẩm, để làm chất liệu men, sơn vẽ... đã gây hại trực tiếp cho sức khỏe của người tham gia sản xuất và tác động lâu dài đến cả những người xung quanh. Chị Thanh Huyền, ở ngõ 3 xóm 3 Bát Tràngnói: “Làm nghề này độc hại lắm, ngày nào cũng hít bụi và ngửi hóa chất, nên “đi” lúc nào không biết. Bố và hai em trai tôi đều chết vì ung thư... “.

Thực trạng nêu trên khiến nhiều người làm việc hoặc sống ở Bát Tràng đều bị mắc bệnh về đường hô hấp như viêm họng, viêm phổi, viêm xoang hay đau mắt... Mặc dù mức độ ô nhiễm là đáng báo động, song người dân chỉ thực hiện các biện pháp đơn giản như phun nước để giảm bụi, đội mũ kín, đeo khẩu trang... Nếu không sớm áp dụng những phương pháp sản xuất sạch, nhằm giảm ô nhiễm môi trường, sự phát triển bền vững của Bát Tràng sẽ bị đe dọa. Trước mắt, để làng nghề Bát Tràng phát triển bền vững, cần thực hiện một số biện pháp như hỗ trợ các gia đình chuyển từ lò nung truyền thống bằng than củi sang lò gas; cải tạo môi trường làm việc; đầu tư trang thiết bị bảo hộ cho người lao động; quy hoạch địa điểm tập kết phế liệu, phế thải. Đặc biệt, việc tuyên truyền giáo dục ý thức giữ gìn cảnh quan, đường làng, ngõ xóm cần được thực hiện thường xuyên, giúp mọi người nắm rõ và nghiêm túc thực hiện.

Nguyễn Đắc Quân

ANHTHU