Giữ gìn bản sắc, kiến trúc nông thôn
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 05/03/2023
Từ nhiều năm trước cùng với “cơn lốc” đô thị hóa, không gian làng quê, kiến trúc nông thôn đã trở thành vấn đề “nóng”. Các cơ quan truyền thông, giới chuyên gia về lĩnh vực này đã không ít lần cảnh báo về tình trạng “phố trong làng” và những hệ lụy, nhưng thực tế chưa thay đổi bao nhiêu, nếu không muốn nói là “giậm chân tại chỗ”. Thậm chí nhiều không gian văn hóa truyền thống đã “biến mất”, bởi những hạn chế trong nhận thức về giá trị của chính con người.
Từ Hà Nội đi khắp đất nước đều có thể cảm nhận được sự thay đổi “chóng mặt” của các làng quê. Bên cạnh những nét tươi mới - thành quả của cộng đồng trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, có thể nhận thấy những biến dạng của “cơ thể” xóm làng với không gian ngột ngạt của sự xen lèn, cơi nới, hoạt động làng nghề… Những “cây đa, giếng nước, sân đình”, “nhà ngói, cây mít” đã làm nên hình ảnh làng quê Việt Nam được thay bằng nhà cao tầng theo lối nhà ống - chia lô, kiến trúc rập khuôn.
Không gian nông thôn truyền thống đang đối mặt với nguy cơ “tan biến” trước tốc độ đô thị hóa, thách thức từ giới hạn đất đai và nhu cầu phát triển. Vậy, làm thế nào để vẫn phát huy những giá trị từ không gian văn hóa, kiến trúc truyền thống của làng quê Việt Nam?
Chỉ thị số 04/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ rõ mục tiêu: Xây dựng nền kiến trúc Việt Nam hiện đại, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc kế thừa và phát huy giá trị di sản kiến trúc truyền thống, phù hợp với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội, yêu cầu quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế, kế thừa kinh nghiệm xây dựng, phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu…; đồng thời khẳng định: Khu vực ven đô cần được xác định rõ và có các giải pháp quy hoạch hòa hợp với không gian đô thị, giữ được bản sắc, khai thác tốt tiềm năng trong giai đoạn trước mắt, tránh lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Vấn đề có ý nghĩa nền tảng là quy hoạch và quản lý quy hoạch. Các cơ quan quản lý nâng cao trách nhiệm trong việc tổ chức lập quy hoạch, từ hoạch định không gian phát triển, định hình cơ cấu kinh tế đến chuyển đổi mô hình sản xuất…; chú trọng bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống đương đại ở từng quy hoạch. Mặt khác, xây dựng và triển khai các giải pháp khuyến khích cộng đồng bảo vệ không gian làng, sử dụng vật liệu truyền thống trong xây dựng các công trình… để tạo nên bản sắc riêng có.
Với thực trạng không gian, kiến trúc làng quê Việt Nam hiện nay, một vấn đề cốt yếu quan trọng là hình thành các mô hình kết nối để tạo ra những không gian vừa kế thừa mô hình làng truyền thống, vừa mang lại những yếu tố tiện nghi với chất lượng sống đô thị. Mặt khác, triển khai các giải pháp cải tạo không gian hiện hữu để các làng quê phát triển mạnh mẽ trong xu hướng đô thị hóa, nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống, làm nên cốt cách làng quê Việt Nam.
Giữ gìn bản sắc, kiến trúc nông thôn vừa là yêu cầu cấp thiết, vừa mang ý nghĩa dài lâu cho mục tiêu phát triển bền vững.