Vì lợi ích của người bệnh

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:30, 10/03/2023

(HNM) - Sau những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ trong Công điện số 72/CĐ-TTg ngày 25-2-2023 về tiếp tục các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh, ngành Y đã có thêm “liều thuốc” chữa "bệnh sợ" trong đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế - đó chính là Nghị quyết số 30/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 4-3-2023 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế.

Căn nguyên của “bệnh” sợ đấu thầu đã được nhiều chuyên gia trong ngành Y chỉ ra, đó là do tâm lý lo lắng của đội ngũ làm công tác đấu thầu -  đặc biệt là bác sĩ không có chuyên môn về tài chính - nên gây ách tắc, chậm trễ.

Đáng nói, đằng sau vấn đề thiếu thuốc, thiếu thiết bị vật tư y tế tại các bệnh viện còn là câu chuyện về sợ trách nhiệm khiến không ít cán bộ ngành Y chấp nhận chọn giải pháp an toàn là “án binh bất động”. Và hệ lụy của nỗi sợ đó đã gây ra những nỗi bức xúc lớn không chỉ với người dân, mà còn cả với những y, bác sĩ, cán bộ quản lý công tác trong ngành Y.

Thời gian qua, các bệnh viện lớn, như: Bạch Mai, Hữu nghị Việt Đức, Chợ Rẫy... đều phản ánh tình trạng thiếu trang thiết bị, vật tư y tế ảnh hưởng lớn đến người bệnh, đặc biệt là bệnh nhân nghèo. Đây là tình trạng rất đáng lo ngại, ảnh hưởng lớn đến dân sinh, ổn định xã hội chứ không chỉ là vấn đề của riêng ngành Y tế.

Trước thực tế này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã liên tiếp có nhiều cuộc họp với Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan để khẩn trương tìm giải pháp. Qua đó, Chính phủ ban hành một số văn bản chỉ đạo, khắc phục tình trạng khan hiếm thuốc, vật tư y tế… Đồng thời chỉ ra rằng, những khó khăn, vướng mắc hiện nay là vấn đề nảy sinh từ thực tiễn nên Bộ Y tế, các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải cùng nhau tháo gỡ vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh: "Quy định do chúng ta đặt ra, vướng mắc ở đâu thì phải tháo gỡ ở đó. Các địa phương cũng phải chỉ ra các vướng mắc cơ chế khi thực hiện trong thực tiễn, thẩm quyền của cấp nào thì cấp đó phải xử lý".

Xuất phát từ quan điểm đó, Nghị quyết số 30/NQ-CP đã được ban hành, cơ bản tháo gỡ vướng mắc về thiếu trang thiết bị, vật tư tại các cơ sở khám, chữa bệnh công lập. Giải pháp đã được nêu rõ trong nghị quyết, ứng với trách nhiệm của từng bộ, ngành, địa phương. Vì thế, mỗi bộ, ngành, địa phương cần rà soát, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc để tìm cách hóa giải. Mỗi đơn vị cần làm “tròn vai”, đồng thời có sự phối hợp hiệu quả, linh hoạt để bảo đảm mọi vướng mắc sẽ được cùng sớm giải quyết.

Đặc biệt, bảo hiểm xã hội các địa phương chủ động, phối hợp kịp thời với sở y tế báo cáo, tham mưu với UBND cấp tỉnh chỉ đạo việc tổ chức đấu thầu mua thuốc, trang thiết bị y tế bảo đảm tiến độ. Căn cứ vào nhu cầu sử dụng thuốc và tình hình, năng lực thực tế đấu thầu thuốc của các cơ sở y tế để đề xuất UBND cấp tỉnh mở rộng danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương cho phù hợp, giảm bớt khó khăn cho cơ sở khám, chữa bệnh do phải tự đấu thầu thuốc.

Với những giải pháp đồng bộ, sát hợp thực tế như vậy, khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuốc, trang thiết bị y tế phục vụ công tác khám, chữa bệnh sẽ cơ bản được giải quyết. Tin tưởng rằng, các bệnh viện sẽ hoạt động một cách thuận lợi trong thời gian tới. Qua đó, giúp ngành Y hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả, vì lợi ích của người bệnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Hà Trang