Kế hoạch cải cách tư pháp tại Israel: Thổi bùng cuộc tranh cãi trong xã hội
Thế giới - Ngày đăng : 08:26, 11/03/2023
Theo thông tin từ Báo DW (Đức), ngày 9-3, hàng chục nghìn người dân Israel đã tham gia biểu tình, gây cản trở các tuyến giao thông huyết mạch ở các thành phố lớn, ngăn cản tàu điện hoạt động, tụ tập trước nơi ở của các chính trị gia đề xuất cải cách tư pháp. Cuộc biểu tình đã khiến một số sự kiện chính trị, xã hội dự kiến diễn ra tại các thành phố Tel Aviv và Jerusalem đã bị hoãn. Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin tới Israel không thể thực hiện được theo đúng kế hoạch do tuyến đường từ sân bay quốc tế Ben Gurion đến thành phố Tel Avip bị ngăn chặn. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phải sử dụng máy bay trực thăng tới sân bay để hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Trên thực tế, Bộ trưởng Tư pháp Israel Yariv Levin đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi vào ngày 4-1, tức là chỉ 6 ngày sau khi Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu tuyên thệ nhậm chức, khi ông công bố giai đoạn đầu tiên của kế hoạch cải cách tư pháp thông qua việc sửa đổi một số nội dung luật. Trong dự luật được đưa ra, Chính phủ sẽ thay đổi thành phần ủy ban bổ nhiệm thẩm phán gồm 9 thành viên, hạn chế tầm ảnh hưởng của các chuyên gia pháp lý, tăng quyền hạn của Chính phủ trong việc lựa chọn thẩm phán. Dự luật không cho phép Tòa án Tối cao ra phán quyết bác những luật cơ bản mà Quốc hội thông qua, kể cả khi những luật này là vi hiến. Quốc hội cũng có quyền bác các quyết định của Tòa án Tối cao chỉ với 61/120 phiếu. Thủ tướng Benjamin Netanyahu và những người ủng hộ nói rằng, những cải tổ này là cần thiết để khôi phục sự cân bằng trong hệ thống và hạn chế các thẩm phán vượt quá quyền hạn khi can thiệp vào lĩnh vực chính trị.
Tuy nhiên, kế hoạch cải cách này đã vấp phải những phản ứng gay gắt của các Tổng chưởng lý, Chánh án Tòa án Tối cao, giới thẩm phán. Nhiều chính trị gia thuộc phe đối lập gọi đây là mối đe dọa đối với nền dân chủ Israel. Nếu dự luật được thông qua sẽ trở thành công cụ để Chính phủ vô hiệu hóa nhiều quyết định của tòa án, ảnh hưởng tới tính công bằng, sự độc lập cần có của tòa án. Nhiều ý kiến cho rằng, trước khi cuộc bầu cử diễn ra vào cuối năm 2022, ông Benjamin Netanyahu đã vướng vào một cuộc điều tra bởi các cáo buộc tham nhũng. Do đó, kế hoạch cải cách tư pháp bị nghi ngờ là một bước đi giúp đương kim thủ tướng thoát khỏi các án phạt trong tương lai.
Ngoài ra, các quan chức kinh tế và tài chính hàng đầu bao gồm: Thống đốc Ngân hàng Israel, giám đốc điều hành của các ngân hàng trong nước, các quan chức cấp cao của Bộ Tài chính... đã cảnh báo, kế hoạch này có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho nền kinh tế của Israel. Động thái từ Bộ Tư pháp cũng làm dấy lên những cảnh báo bất thường từ các đồng minh của Israel ở nước ngoài, trong đó có Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và những người ủng hộ Israel trong cộng đồng Do Thái ở Mỹ.
Kết quả hầu hết các cuộc thăm dò dư luận do Viện Dân chủ Israel và các tổ chức khác tiến hành cho thấy, đa số người Israel không ủng hộ các nội dung cải cách tư pháp được Chính phủ đề xuất. Đây là lý do quy mô các cuộc biểu tình có dấu hiệu ngày càng gia tăng tại Israel. Nếu Chính phủ không có biện pháp xoa dịu, mâu thuẫn trong xã hội ngày càng bị khoét sâu, có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng hiến pháp như Tổng thống Israel Isaac Herzog đã cảnh báo.