Trung Quốc: Giáo dục nghệ thuật là thị trường tiềm năng
Thế giới - Ngày đăng : 08:09, 11/03/2023
Thị trường rộng mở
Sự phát triển của công nghiệp văn hóa tại Trung Quốc đã kéo theo sự tăng trưởng mạnh mẽ của lực lượng lao động trong ngành này. Trong một bài nghiên cứu gần đây, Tiến sĩ Trần Thị Thủy (Viện Nghiên cứu Trung Quốc) cho hay: Từ năm 2004 đến năm 2013, số đơn vị trong ngành công nghiệp văn hóa ở nước này đã tăng 3 lần; lực lượng lao động tăng 2 lần. Con số này không ngừng tăng lên, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của nhà nước cho công nghiệp văn hóa, trở thành nền tảng thúc đẩy phát triển giáo dục nghệ thuật trên phạm vi cả nước, đồng thời cung cấp một nguồn nhân lực có chất lượng cho ngành trong tương lai gần.
Theo phân tích dữ liệu về xu hướng trong ngành giáo dục và đào tạo nghệ thuật của Trung Quốc năm 2020 đăng trên Chinadaily, trong những năm gần đây, quy mô thị trường đào tạo nghệ thuật của Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng đều đặn, vào năm 2019, quy mô thị trường đào tạo nghệ thuật tổng thể của nước này vượt quá 80 tỷ nhân dân tệ, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm hơn 20%. Bên cạnh giáo dục truyền thống, giáo dục nghệ thuật trực tuyến cũng phát triển mạnh. Theo dữ liệu của iResearch, quy mô thị trường của ngành giáo dục nghệ thuật trực tuyến của Trung Quốc vào năm 2019 là 2,07 tỷ nhân dân tệ, dự kiến các năm tiếp theo có tốc độ tăng trưởng hằng năm khoảng 45%.
Trong số đó, đào tạo nghệ thuật dành cho trẻ em chiếm thị phần lớn trong thị trường giáo dục nghệ thuật. Theo "Báo cáo dự báo xu hướng phát triển và phân tích giám sát thị trường ngành đào tạo nghệ thuật Trung Quốc 2017 - 2023" do Zhiyan Consulting công bố, quy mô của thị trường đào tạo nghệ thuật cho trẻ em vào năm 2020 ước khoảng 131,6 tỷ nhân dân tệ.
Theo phân loại nội dung, giáo dục nghệ thuật chủ yếu được chia thành 8 loại, bao gồm hội họa, điêu khắc, kiến trúc, âm nhạc, khiêu vũ, văn học, opera và điện ảnh. Trong phân loại giáo dục nghệ thuật theo lứa tuổi, theo nhu cầu thì đào tạo trẻ em chiếm tỷ trọng chính. Trong thị trường đào tạo nghệ thuật cho trẻ em, ba lĩnh vực dẫn đầu là đào tạo âm nhạc (36%), đào tạo khiêu vũ (31%) và đào tạo mỹ thuật (25%).
Các chính sách phù hợp
Bên cạnh sự đầu tư mạnh mẽ cho các lĩnh vực trong công nghiệp văn hóa, Trung Quốc cũng có nhiều chính sách để thúc đẩy giáo dục nghệ thuật.
Theo Chinadaily, từ năm 2013, Trung Quốc liên tục ban hành các chính sách thúc đẩy việc đánh giá phẩm chất nghệ thuật của học sinh, tăng cường giáo dục thẩm mỹ học đường, hỗ trợ và khuyến khích giáo dục tư nhân..., nhấn mạnh rằng giáo dục nghệ thuật nên chiếm một tỷ lệ nhất định trong giáo dục học đường.
Tháng 9-2016, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành “Hướng dẫn tiếp tục đẩy mạnh cải cách chế độ thi và tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông”, trong đó nêu rõ đến năm 2020, hệ thống kiểm tra và tuyển sinh sơ bộ đối với kỳ thi THPT dựa trên điểm kiểm tra học lực cấp THCS và đánh giá chất lượng toàn diện sẽ được hình thành trên toàn quốc. Âm nhạc, nghệ thuật và các phẩm chất nghệ thuật khác sẽ được đưa vào hệ thống đánh giá toàn diện.
"Ý kiến của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc tăng cường giáo dục, cải cách giảng dạy và nâng cao toàn diện chất lượng giáo dục bắt buộc" cũng đề xuất tăng cường giáo dục thẩm mỹ và thực hiện các hành động thúc đẩy giáo dục thẩm mỹ học đường. Từ năm 2017, nhiều tỉnh, thành phố như Giang Tô, Hà Nam, Sơn Đông, Vân Nam đã đưa âm nhạc và mỹ thuật vào phạm vi kỳ thi tuyển sinh cấp ba, đồng thời quy định điểm thi âm nhạc và mỹ thuật sẽ được tính vào tổng điểm của học kỳ và kỳ thi tuyển sinh cấp 3. Kết quả đánh giá phẩm chất nghệ thuật của học sinh THCS được đưa vào kỳ thi tuyển sinh cấp 3.
Vào tháng 4-2019, Bộ Giáo dục Trung Quốc đã ban hành "Các ý kiến về việc tăng cường hiệu quả công tác giáo dục thẩm mỹ trong các trường cao đẳng và đại học trong kỷ nguyên mới" với đề xuất “các trường cao đẳng và đại học bình thường nên tăng cường phổ biến giáo dục nghệ thuật cho tất cả sinh viên”; mỗi sinh viên phải hoàn thành các khóa học nghệ thuật công cộng do nhà trường quy định thì mới đủ điều kiện tốt nghiệp.
Nhờ một loạt chính sách như kể trên mà nghệ thuật đã không còn là lựa chọn dành cho thiểu số, nhu cầu giáo dục nghệ thuật không ngừng được cải thiện, đóng góp nguồn nhân lực dồi dào cho nghệ thuật chuyên nghiệp của quốc gia này. Đào tạo nghệ thuật không chỉ là tiêu thụ văn hóa nghệ thuật, mà còn là tái tạo văn hóa nghệ thuật và thị trường đào tạo nghệ thuật phát triển mạnh mẽ sẽ khiến ngành công nghiệp văn hóa có thêm nguồn lực để phát triển bền vững.