Dùng mỹ phẩm trị thâm, nám: Coi chừng “bào” da vì hóa chất
Sức khỏe - Ngày đăng : 06:37, 11/03/2023
Hồi chuông cảnh báo
Mới đây, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi, tiêu hủy sản phẩm Serum thâm X2 - nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics, sản xuất ở Hà Nội, do vi phạm quy định về quản lý mỹ phẩm.
Theo Cục Quản lý dược, sản phẩm Serum thâm X2 - nhãn hàng Huyền Phi Cosmetics bị đình chỉ lưu hành, thu hồi do mẫu kiểm nghiệm sản phẩm chứa hydroquinone - chất không được phép có trong sản phẩm mỹ phẩm chăm sóc da theo quy định tại Thông tư số 06/2011/TT-BYT. Tính năng, công dụng và thành phần công thức sản phẩm kê khai tại Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm không thống nhất với tính năng, công dụng và thành phần công thức ghi trên nhãn sản phẩm. Nhãn sản phẩm không ghi tên nước sản xuất theo quy định.
Trước đó, Cục Quản lý dược đã có Công văn số 8542/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố, Công ty TNHH Thương mại mỹ phẩm Huỳnh Đỗ Cosmetics về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc một lô kem trị nám chứa kim loại nặng, gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dùng. Cụ thể, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, thực phẩm tỉnh Tây Ninh đã lấy mẫu sản phẩm kem chuyên trị nám của nhãn hiệu này tại một cơ sở mỹ phẩm tại chợ Tân Châu, thị trấn Tân Châu, tỉnh Tây Ninh, để tiến hành kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu thử không đáp ứng yêu cầu về chỉ tiêu giới hạn kim loại nặng trong mỹ phẩm (hàm lượng thủy ngân vượt quá giới hạn cho phép) theo quy định của Hội đồng Mỹ phẩm ASEAN. Do đó, Cục Quản lý dược đã ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm kem chuyên trị nám nói trên.
Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo đối với chị em về các loại mỹ phẩm trị thâm, nám được bán trôi nổi trên thị trường, có chứa nhiều hóa chất độc hại với làn da.
Cảnh giác với mỹ phẩm làm đẹp “siêu tốc”
Với tâm lý mong muốn điều trị nám nhanh và hiệu quả, chị em thường tìm đến các loại kem trộn được bán tràn lan trên thị trường với những lời quảng cáo hoa mỹ như “hết nám thần tốc”, “hết nám 100%”, “hết nám chỉ sau 1 tuần”.
Quả thực, khi mới sử dụng, da của người dùng trắng mịn khá nhanh. Nhưng, chỉ sau một thời gian ngắn, da bắt đầu bị kích ứng, mẩn đỏ, vùng nám lan rộng và sậm màu hơn. Nguy hiểm hơn, các thành phần độc hại như thủy ngân ở các loại mỹ phẩm này sẽ phá hủy dần lớp biểu bì bên ngoài da, khiến cho da bị bào mòn, mỏng hơn và dễ bị tấn công bởi các tác nhân xấu từ bên ngoài, gia tăng lượng melanin khiến da thâm, sạm, nám... Bên cạnh đó, những chất độc hại sẽ phá vỡ hàng rào bảo vệ da bên ngoài, tạo điều kiện cho các loài nấm, ký sinh trùng phát triển và gây nên các bệnh lý nguy hiểm về da.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Tiến Thành, Phó Trưởng khoa Laser và Chăm sóc da, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân đến khám trong tình trạng da bị kích ứng nặng, mẩn ngứa, làn da mỏng, sạm nám loang lổ... Đa phần các bệnh nhân này bôi kem trộn, dùng biện pháp lột tẩy, peel da, lăn kim, laser... khiến làn da bị tổn thương ngày càng nặng nề và việc điều trị rất khó khăn. “Thay vì chỉ điều trị nám da thì những trường hợp này phải điều trị các tổn thương trước, đợi da phục hồi ổn định thì mới có thể tiến hành các phương pháp trị nám được” - bác sĩ Thành chỉ rõ.
Để cảnh báo, các chuyên gia da liễu nhấn mạnh, người dân không nên mù quáng tin theo nội dung quảng cáo "chữa khỏi nám da thần tốc" để rồi "tiền mất tật mang". Thực tế, với các phương pháp điều trị hiện nay, hiện tượng nám da khó có thể chữa khỏi 100%, nhưng việc điều trị đúng cách có thể làm mờ vết nám được 70 - 80%. Hiện nay, nhu cầu trị nám má rất cao, người dân nên đi thăm khám bác sĩ chuyên khoa da liễu; còn nếu chưa có điều kiện thăm khám thì nên chủ động các biện pháp bảo vệ da cơ bản bằng cách dùng kem chống nắng, bôi đúng thời gian, đeo khẩu trang đủ dày hay mũ rộng vành, hạn chế ra ngoài trời vào giờ cao điểm... Đặc biệt, không nên tự ý điều trị nám bằng cách bôi, đắp các loại kem, lá cây, rượu thuốc... bởi điều đó có thể gây tổn thương khó hồi phục cho làn da.