Đến tháng 9-2023, phải xử lý dứt điểm tồn tại ở Công viên Tuổi trẻ Thủ đô
Đời sống - Ngày đăng : 20:21, 10/03/2023
Báo cáo tại phiên họp cho biết, Dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2000, với quy mô 26,4ha, tổng mức đầu tư trên 280 tỷ đồng..., thời gian thực hiện từ năm 2002 đến năm 2006. Quá trình triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên năm 2010, UBND thành phố có quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chi tiết theo hướng trở thành Trung tâm Thanh thiếu niên Hà Nội, tỷ lệ 1/500 với quy mô diện tích đất, ranh giới lập quy hoạch, hồ nước trung tâm và không gian cây xanh…
Tuy nhiên, từ đó đến nay, Công viên Tuổi trẻ Thủ đô vẫn là dự án “treo” với nhiều sai phạm trong quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng. Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, tại dự án công viên này có 14 hạng mục công trình sai quy hoạch, sai giấy phép xây dựng. Những sai phạm này kéo dài nhiều năm không chỉ gây bức xúc cho người dân, mà còn gây lãng phí đối với các hạng mục công trình vui chơi, giải trí đã được đầu tư không được bảo dưỡng đều, bị xuống cấp nghiêm trọng theo năm tháng.
Trước những bức xúc của người dân, thành phố đã có những chỉ đạo quyết liệt, nhưng đến nay, tình trạng này vẫn chưa được xử lý dứt điểm - điều này cũng được Thanh tra thành phố nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, địa phương.
Tại cuộc họp, đại diện các sở, ngành, đơn vị chủ quản và địa phương đã phát biểu chỉ rõ những nguyên nhân và vai trò của các đơn vị, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước; đồng thời, đề xuất một số kiến nghị với UBND thành phố.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, vi phạm tại Công viên Tuổi trẻ Thủ đô đã kéo dài nhiều năm, vì vậy, UBND thành phố yêu cầu các cấp, ngành chức năng từ thành phố đến cơ sở cùng vào cuộc để xử lý dứt điểm.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho rằng, đây là vụ việc phức tạp, tồn đọng kéo dài, đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Nguyên nhân trước hết là do chưa xác định rõ trách nhiệm pháp lý, hồ sơ, tài liệu, chứng từ không đầy đủ, không được xác lập đúng quy định, gây khó khăn cho việc xác định nguồn gốc hình thành tài sản...
Từ đó, đồng chí Trần Sỹ Thanh yêu cầu, các đơn vị liên quan tập hợp và đánh giá việc chấp hành các văn bản chỉ đạo, điều hành gửi quận Hai Bà Trưng tổng hợp, cập nhật lại quy hoạch và địa phương phải trực tiếp, kiên quyết xử lý các công trình vi phạm bên trong công viên, để trước mắt tạo điều kiện cho người dân sinh hoạt.
Đồng thời, Chủ tịch UBND thành phố lưu ý, các đơn vị, địa phương phân công rõ việc, rõ trách nhiệm của từng cá nhân đối với từng phần việc, quyết tâm trong thời gian từ nay đến tháng 9-2023, phải xử lý dứt điểm tồn tại; giao quận Hai Bà Trưng làm chủ đầu tư và giao Văn phòng UBND thành phố thống nhất với các ngành, ra văn bản kết luận cuộc họp để tổ chức thực hiện.