''Tăng tốc'' trong thi hành án dân sự
Pháp luật - Ngày đăng : 06:44, 10/03/2023
Là địa bàn trọng điểm, Hà Nội luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt, chỉ đạo sát sao trong hoạt động thi hành án dân sự của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), UBND thành phố Hà Nội. Những tháng đầu năm 2023, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội và các đơn vị trực thuộc đã chủ động xây dựng quyết định giao chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự, theo dõi thi hành án hành chính, kế hoạch công tác năm để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ.
Lãnh đạo Tổng cục Thi hành án dân sự đã chỉ đạo Cục, 30 chi cục thi hành án dân sự quận, huyện, thị xã; chấp hành viên tập trung rà soát phân loại và tổ chức thi hành án ngay từ đầu năm công tác, đặc biệt là các vụ việc có giá trị lớn, liên quan đến thu hồi tài sản cho ngân sách nhà nước, các khoản thu cho hơn 60 tổ chức tín dụng, ngân hàng. Thường xuyên giao ban để kịp thời nắm bắt tình hình và chỉ đạo các công việc tại Cục và các chi cục, nhất là tại các đơn vị có lượng việc, tiền phải thi hành lớn, ảnh hưởng đến chỉ tiêu chung của toàn thành phố hoặc các đơn vị có kết quả thi hành án đạt quá thấp, có nhiều vụ việc phức tạp, khó khăn, vướng mắc.
Nhờ vậy, trong số có điều kiện đã thi hành xong 7.471 việc, tương đương số tiền 2,98 tỷ đồng; đạt tỷ lệ 33,65% về việc và 10,09% về tiền. Đáng lưu ý, so với cùng kỳ năm 2022, hiệu quả thi hành án tín dụng ngân hàng tăng 1,99% về việc và tăng 0,18% về tiền. Về kết quả thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, trong số có điều kiện đã thi hành xong 18 việc tương đương số tiền hơn 82,2 tỷ đồng, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và bảo đảm quyền, lợi ích của Nhà nước, tổ chức, cá nhân. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác thi hành án ngày càng được triển khai bài bản, có hiệu quả.
Trong bối cảnh biên chế ít, việc nhiều, dẫn đến tình trạng quá tải công việc, làm thế nào để vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tăng tốc, về đích chỉ tiêu thi hành án những tháng cuối năm 2023, thách thức đối với các cơ quan thi hành án dân sự của thành phố Hà Nội là rất lớn. Vì thế, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội yêu cầu kiểm soát các mặt công việc chặt chẽ, khoa học, bài bản, trong đó có hoạt động của chấp hành viên; nhận diện, đánh giá đúng tình hình thực tiễn để xác định nhiệm vụ trọng tâm, vấn đề nổi cộm của từng địa bàn. Cùng với đó, chú trọng công tác kiểm tra, đẩy mạnh kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng trong hoạt động thi hành án dân sự. Từ đó đóng góp mạnh mẽ vào kết quả chung của toàn quốc, góp phần nâng cao vị thế của hệ thống các cơ quan thi hành án dân sự Thủ đô trong công cuộc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Nhận định Hà Nội là một trong số các địa phương có khối lượng công việc lớn, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái yêu cầu, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội bên cạnh làm tốt công tác tham mưu hướng dẫn nghiệp vụ cho các chi cục trong những tháng cuối năm 2023, phải kịp thời hỗ trợ, hướng dẫn, thành lập tổ công tác khi cần thiết, chú trọng và làm tốt hơn nữa công tác phòng ngừa vi phạm.
Muốn làm tốt vấn đề này, theo Tổng Cục trưởng Nguyễn Quang Thái, cần quán triệt đầy đủ các văn bản về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực để nâng cao nhận thức của công chức, cán bộ; tăng cường hiệu quả công tác kiểm tra, chú trọng tại các địa bàn lớn, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có) để tạo tính răn đe. Quá trình triển khai cũng cần tăng cường sự kết nối với các đơn vị thuộc Tổng cục để kịp thời trao đổi thông tin, xin hướng dẫn chuyên môn kịp thời. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác truyền thông, ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả quản lý công việc…