Gỡ vướng để nâng số lớp học
Giáo dục - Ngày đăng : 06:59, 10/03/2023
Nhu cầu chỗ học ngày càng lớn
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh, tính đến hết năm 2022, thành phố đạt tỷ lệ bình quân 294 phòng học/ 10.000 dân số trong độ tuổi đi học. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều địa phương chưa đạt chỉ tiêu, gồm: Quận 4 (286), quận 12 (235), quận Bình Thạnh (297), quận Gò Vấp (205), quận Tân Bình (288), quận Tân Phú (255), quận Bình Tân (288), huyện Bình Chánh (260), huyện Hóc Môn (211), do dân số đông, có nhiều người nhập cư.
Cũng tính đến hết năm 2022, toàn thành phố có tới 117 dự án xây dựng cơ sở giáo dục chậm thực hiện do nhiều nguyên nhân, như: Khó khăn trong giải phóng mặt bằng, chưa duyệt kế hoạch, chưa bố trí vốn, chưa làm hồ sơ, chưa thu hồi đất, điều chỉnh dự án… Điều này khiến nhiều địa phương “loay hoay” trong việc bố trí dạy và học. Đơn cử tại quận Gò Vấp, để tổ chức học 2 buổi/ngày, các trường phải tận dụng hết các phòng chức năng, các lớp xoay vòng, đổi giờ học trong lớp và ngoài sân trường.
Tương tự, phường Tân Thới Hiệp (quận 12) có hơn 50.000 dân nhưng chỉ có một trường tiểu học (Trường Lê Văn Thọ). Dù quận đã phân luồng học sinh sang những phường lân cận nhưng trường vẫn có đến hơn 4.500 học sinh, đông nhất, nhì thành phố. Trường tổ chức học cả ngày thứ bảy, song không thể triển khai học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo Phó Chủ tịch UBND quận 12 Võ Thị Chính, hiện toàn quận có 2.874 phòng học, với 122.413 dân trong độ tuổi đi học, đạt 235 phòng học/10.000 dân. Nhiều trường tiểu học của quận có tới trên 50 lớp. Nhiều lớp có sĩ số hơn 60 học sinh/lớp. Với tốc độ tăng dân số và tiến độ thực hiện dự án xây dựng trường học như hiện nay thì quận không thể đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân vào năm 2025. “Chúng tôi đề xuất thành phố tiếp tục quan tâm, giải quyết kiến nghị của quận về 14 khu đất do các cơ quan, công ty, xí nghiệp của Nhà nước đang quản lý mà không khai thác hiệu quả, sử dụng không đúng mục đích, nay chuyển thành đất dành cho giáo dục để phát triển hệ thống trường học”, bà Võ Thị Chính cho biết.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu thông tin, đến năm 2025, thành phố cần 56.512 phòng học, so với số phòng học đang có là 47.623. Như vậy, trong giai đoạn 2023-2025, cần bổ sung 8.889 phòng học từ mầm non đến trung học phổ thông, thì mới có thể đạt chỉ tiêu 300 phòng học/10.000 dân.
Thực hiện nhiều giải pháp
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh Đào Minh Chánh cho biết, giai đoạn 2021-2025, thành phố đã bố trí 369 dự án với tổng số vốn hơn 10.490 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,3% kế hoạch trung hạn. Ngoài ra, Sở cũng đang tham mưu UBND thành phố dự kiến bổ sung nguồn vốn có khả năng huy động tăng thêm để báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua. Dự kiến sẽ tăng thêm 10.467 tỷ đồng để đáp ứng một phần nhu cầu của các trường học.
Dưới góc độ địa phương, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho hay, năm 2023, quận tiếp tục khởi công xây thêm 10 trường với 286 phòng học. “Ngoài vấn đề kinh phí, chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn trong giải phóng mặt bằng. Đây là vấn đề cần có sự vào cuộc của nhiều cấp, nhiều ngành. Về phía địa phương, chúng tôi sẽ nỗ lực chủ động và tăng cường phối hợp với các bên liên quan để hoàn thành giải tỏa, tạo mặt bằng cho các dự án trên và 5 dự án khác với 152 phòng học, dự kiến được xây dựng trước năm 2025”, ông Nguyễn Minh Nhựt nói.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu phân tích, tỷ lệ 300 phòng học/10.000 dân số trong độ tuổi đi học vào năm 2025 mới chỉ đáp ứng tiêu chuẩn của Chương trình giáo dục phổ thông cũ. Nếu áp theo tiêu chuẩn của Chương trình giáo dục phổ thông 2018, số phòng học cần tăng thêm nữa, vì tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày tăng cao hơn. Sở đã tham mưu UBND thành phố cho phép nâng cao số tầng tại một số trường học; cho phép đánh giá liên phường đối với tiêu chuẩn phổ cập giáo dục, đề xuất các chính sách ưu đãi về vốn vay; tăng cường thu hút xã hội hóa xây dựng cơ sở giáo dục, sớm tăng số phòng học trên địa bàn.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức nhấn mạnh: “Trước đây, thành phố có rất nhiều dự án khu đô thị mới, theo quy hoạch đều phải có đất dành cho cơ sở giáo dục, y tế. Do đó, các địa phương, sở, ngành phối hợp với ngành Giáo dục rà soát từng dự án, xem có dành đất để xây trường không và khó khăn, vướng mắc ở đâu, vấn đề nào vượt thẩm quyền thì thành phố sẽ tiếp tục kiến nghị Trung ương hướng giải quyết”.