Những đường phố sáng danh liệt sĩ

Xã hội - Ngày đăng : 07:55, 23/07/2007

(HNM) - Với ý thức nhớ công ơn các chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những liệt sĩ anh hùng đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược, hơn nửa thế kỷ qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã đổi tên và đặt tên các nhân vật lịch sử này cho 33 đường phố.

Phố Trần Phú rợp bóng mát của hai hàng cây sấu. Ảnh: Trung Kiên

(HNM) - Với ý thức nhớ công ơn các chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và những liệt sĩ anh hùng đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ Tổ quốc chống xâm lược, hơn nửa thế kỷ qua, chính quyền thành phố Hà Nội đã đổi tên và đặt tên các nhân vật lịch sử này cho 33 đường phố.

Hãy đi từ trung tâm chính trị quận Ba Đình, ta gặp các phố lớn, đường rộng, rợp bóng cây xanh, mang biển phố tên họ. Đó là Trần Phú – Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng, tác giảLuận cương chính trị,bị địch bắt, tra tấn dã man, mất tại nhà thương Chợ Quán năm 1931. Lê Hồng Phong, ủy viên dự khuyết BCH Quốc tế cộng sản, UVTƯ Đảng cộng sản Đông Dương, bị thực dân Pháp bắt, đày ra Côn Đảo và mất tại đó năm 1942. Hoàng Văn Thụ, Thường vụ TƯ Đảng, Bí thư XứủyBắc Kỳ bị địch xử bắn ở Hoàng Mai năm 1944.

Trên địa bàn quận Hai Bà Trưng có phố dài Minh Khai, tên đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai, ủy viênxứủy Nam Kỳ, Bíthư TU Sài Gòn - Chợ Lớn,chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, bị địch bắt và kết án tử hình cùng với các bạn chiến đầu tại Hóc Môn năm 1941.

Ở quận Cầu Giấy, có 4 lãnh tụ cách mạng tiền khởi nghĩa được đặt tên phố.Nguyễn Phong Sắc, người phố Bạch Mai, tham gia lập chi bộ đảng đầu tiên ở Hàm Long, bị địch giết hại trong khi chỉ đạo phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930. Tô Hiệu, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ, Bí thư TU Hải Phòng bị địch đày đi Sơn La và mất tại đây năm 1944. Nguyễn Ngọc Vũ, Bí thư chính thức đầu tiên của TU Hà Nội, hy sinh trong nhà lao Hỏa Lò năm 1932. Phùng Chí Kiên, người theoHồ Chí Minh về Pắc Bó, lập chiến khu Bắc Sơn, chỉ huy đội Cứu quốc quân số 1, bị địch giết hại ở Ngân Sơn năm 1941.

Đi trong quận Hoàng Mai có các phố: Nguyễn Đức Cảnh, người tham gia thành lập Chi bộ Hàm Long, Thường vụ Xứ ủy Trung Kỳ, bị thực dân Pháp hành hình năm 1932; Lương Khánh Thiện, ủy viên Xứủy Bắc Kỳ, Bí thư TU Hải Phòng, bị hành quyết tại Kiến An năm 1941; Kim Đồng, liệt sĩ anh hùng, đội viên độiThiếu niên tiền phong lớp đầu, hy sinh trên đường giao liên năm 1943.

Quận Long Biên có phố mang tên Ngô Gia Tự, thành viên Chi bộ Hàm Long, Bí thư lâm thời Xứ ủy Nam Kỳ, bị địch bắt đày ra Côn Đảo và đã hy sinh trên biển Đông trong một cuộc vượt đảo năm 1941, để lại tác phẩm “Tự chỉ trích” làm bài học tự phê bình cho đảng viên. Giữa quận Tây Hồ có đường Nguyễn Hoàng Tôn, tên ngườichiến sĩ cách mạng trẻ tuổi, tham gia thành lập Đoàn TNCS ở Hà Nội, bị địch xử chém ởHải Phòng năm 1942.

Trên đất huyện Gia Lâm có hai con đường mang tên hai ủy viên TƯ Đảng cùng được giao vào Sài Gòn chỉ đạo cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ, bịxử bắn tại Hóc Môn năm 1941, là Hà Huy Tập và Phan Đăng Lưu.

Vào thời 8 năm kháng chiến chống thực dân Pháp hai liệt sĩ hy sinh, được đặt tên phố ở quận Hai Bà Trưng. Lê Gia Đỉnh, được gọi là Quyết tử quân số 1, hy sinh anh dũng trong trận bảo vệ Bắc Bộ phủ ngay đêm đầu tiên Hà Nội dội lửa lên đầu quân thù mùa đông 1946. Mạc Thị Bưởi, nữ du kích Hải Dương, hy sinh trên đường vận chuyển lương thực năm 1951.

Quận Thanh Xuân có các đường phố: Nguyễn Ngọc Nại, du kích Tứ Tổng,chỉ huy bảo vệ đường rút khỏi thành phố cho Trung đoàn Thủ đô sau 60 ngày đêm chiến đấu kìm chân và tiêu hao sinh lực địch; Cù Chính Lan, anh hùng đánh xe tăng trong chiến dịch Hòa Bình 1952; Tô Vĩnh Diệnlấy thân mình chèn pháo; Phan Đình Giót lấp lỗ châu mai cho đồng đội xông lên chiếm đồi Him Lam mở đầu trận thắng lớn ở Điện Biên Phủ mùa hè 1954. Ba liệt sĩ nói trênđều được truy tặng Anh hùng LLVT.

Quận Ba Đình có phố Nam Cao, nhà văn liệt sĩ, hy sinh trên đường vào địch hậu Hà Nam, thu thuế cho kháng chiến năm 1951.

Liệt sĩDương Quảng Hàm, giáo sư, hiệu trưởng trường Bưởi – Chu Văn An hy sinh ngay trên đường phố khi Hà Nội nổ súng mở đầu Toàn quốc kháng chiến và chiến sĩ hành động; Trần Bình, công an Hà Nội, người xử án giết tên Việt gian, Trương Đình Thi, bị địch bắt và giết hại năm 1949, được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, được đặt tên cho hai đường phố thuộc quận Cầu Giấy.

Ở quận Đống Đa có phố mang tên Nguyễn Phúc Lai, bộ đội Liên khu III Hà Nội, hy sinh trong trận đánh bom ba càng diệt quân Pháp nống ra vùng Giảng Võ - La Thành đầu năm 1947.

Người Hà Nội không quên các liệt sĩ anh hùng miền Nam chống Pháp. Tên chị công an trẻ tuổi Võ Thị Sáu bị thực dân đày ra Côn Đảo và bắn chếttại đó vì không chịu cho chúng một lời khai, thành tên phố ở quận Hai Bà Trưng.

Trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước, anh hùng liệt sĩ Nguyễn Văn Trỗi, chiến sĩ biệt động Sài Gòn, mưu sát Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Mắc Namara bị lộ, địch đưa anh ra pháp trường, anh còn hô to ba lần “Hồ Chí Minh” trước khi nhắm mắt. Anh cùng với anh hùng liệt sĩ pháo phòng không Nguyễn Viết Xuân, nổi tiếng với khẩu lệnh “Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn!” khi máy bay Mỹ xâm phạm vùng trời miền Bắc, được đặt tên phố ở quận Thanh Xuân.

Bùi Ngọc Dương, anh hùng các lực lượng vũ trang, liệt sĩ trong trận Khe Sanh năm 1968 ác liệt, được đặt tên cho một phố quận Hai Bà Trưng.

Quận mới Long Biên có phố Vũ Xuân Thiều, anh hùng phi công, bắn rơi B52 và hy sinh trên bầu trời Tổ quốc trong 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không.

Huyện Gia Lâm được đặt tên đường phố Ngô Xuân Quảng, liệt sĩ anh hùng bộ đội phòng không, hy sinh trên trận địa chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ năm 1972.

Còn giáo sư bác sĩ anh hùng quân đội Đặng Văn Ngữ, ngã xuống mảnh đất Trị Thiên khi vào thực nghiệm chống sốt rét cho quân giải phòng miền Nam năm 1976 đã thành tên phố thuộc quận Đống Đa.

Các đường phốđược mang tên liệt sĩ anh hùng,lãnh tụ cách mạng tiền bối, luôn nhắc nhở với các thế hệ người Hà Nội về những tấm gương sống và chiến đấu của người cộng sản, những người yêu nước Việt Nam. Đó là điều rất đáng tự hào với mỗi người chúng ta.

Giang Quân

ANHTHU