Cảnh giác cao độ trước những chiêu lừa đảo mới
Đời sống - Ngày đăng : 19:09, 09/03/2023
Tiếp tục có thêm nạn nhân
Ngày 9-3, Công an thành phố Hồ Chí Minh thông tin, tính đến 17h cùng ngày, cơ quan Công an đã nhận được 4 tin báo từ các cơ quan báo chí và 3 tin tố giác của người dân về những vụ lừa đảo này.
Mới đây nhất, ngày 8-3, có 3 người dân tại huyện Củ Chi nhận được điện thoại báo con mình bị tai nạn tại trường học, phải đưa đi cấp cứu và cần 100 triệu đồng tiền làm thủ tục. Tuy nhiên, do đã đọc những thông tin cảnh báo, các phụ huynh này đã không thực hiện theo yêu cầu của nhóm tội phạm và báo công an.
Trước đó, nhiều phụ huynh tại nhiều địa phương của thành phố Hồ Chí Minh đã trở thành nạn nhân của trò lừa đảo này. Do quá lo lắng cho sức khỏe con em mình, nhiều người đã chuyển hàng trăm triệu đồng đến tài khoản do nhóm lừa đảo đưa ra và bị chiếm đoạt.
“Vấn đề là mọi thông tin chúng đưa ra đều rất khớp, rất hợp lý”, anh V.M.H, một nạn nhân của trò lừa đảo nêu trên chia sẻ: “Chúng điện thoại, giọng rất lo lắng, tự xưng là giáo viên nhà trường, môt tả đúng đặc điểm, tên, lớp của con tôi và địa chỉ gia đình tôi. Sau đó, chúng đưa điện thoại cho người khác nói chuyện, tự xưng là bác sĩ, thúc giục tôi chuyển tiền”.
Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an thành phố Hồ Chí Minh nhận định, rất có thể, bọn tội phạm đã nắm được thông tin nhân thân học sinh. Nguyên nhân lộ lọt thông tin này có thể do lỗ hổng bảo mật hoặc việc quản lý dữ liệu của cơ sở giáo dục chưa chặt chẽ; hoặc có thể bản thân các em học sinh đã làm lộ thông tin cá nhân của mình khi khai báo để tham gia các trò chơi trên mạng.
“Đây là thủ đoạn phạm tội mới, rất tinh vi. Cơ quan Công an sẽ tiếp tục phối hợp với cơ quan báo chí và các cấp, các ngành tăng cường tuyên truyền để người dân nhận biết và phòng tránh tội phạm này. Khi phát hiện dấu hiệu nghi vấn, người dân cần báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất hoặc các kênh liên lạc của Công an thành phố Hồ Chí Minh trên Facebook, Zalo…” Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an thành phố Hồ Chí Minh đề nghị.
Chị Trần Thu Trang, ngụ tại quận 7, có hai con đang trong bậc học phổ thông, chia sẻ: “Đúng là chỉ cần đọc Facebook, tôi cũng có thể hình dung cơ bản gia cảnh của một số người, nếu bỏ công tìm và chọn thông tin. Lý do là họ đưa quá nhiều thông tin cá nhân, gia đình lên mạng xã hội. Ngoài ra, nhiều ứng dụng cũng yêu cầu các thành viên khai báo khá chi tiết thông tin cá nhân. Điều này thật nguy hiểm. Tôi và các thành viên trong gia đình sẽ cảnh giác, cẩn thận hơn”.
Những chiêu trò mới
Việc khai thác thông tin cá nhân và những mối quan hệ xã hội của nạn nhân còn được tội phạm sử dụng dưới nhiều hình thức khác nhau. Đầu tháng 3 vừa qua, anh N.M.T, công tác ở một cơ quan báo chí tại thành phố Hồ Chí Minh, nhận được cuộc điện thoại có hình (video call) từ tài khoản mạng xã hội của một người bạn thân. Cuộc gọi có hình ảnh nhòe mờ và âm thanh lẫn tạp âm, nhờ anh T chuyển tiền đến số tài khoản (nhắn tin gửi sau) để người bạn giải quyết gấp vụ va chạm giao thông.
“Tôi đang bận làm việc, lại thấy cuộc gọi video từ tài khoản người bạn, nên tin ngay và nhanh chóng chuyển tiền. Đến tối về nhà, bình tĩnh xem lại và gọi điện kiểm tra, mới biết bạn tôi bị tội phạm chiếm đoạt tài khoản để lừa đảo nhiều người. Giờ chúng không nhắn tin nữa mà dùng video call luôn”, anh T chia sẻ.
Mấy ngày qua, báo chí còn đưa nhiều về trường hợp chị M ở Hà Nội cũng nhận được video call với nội dung tương tự, nhưng chất lượng hình ảnh rõ nét, đúng người bạn, với khẩu hình khớp lời nói vay tiền. Theo nhận định chung, có thể bọn tội phạm đã sử dụng Deepfake để tạo hình động từ ảnh tĩnh, dùng để lừa đảo.
“Trước đây, công nghệ này được ứng dụng vui trên các video clip gây cười khi các nhân vật nổi tiếng được tạo khẩu hình theo lời những bài hát nổi tiếng. Nay có thể đã bị bọn tội phạm lợi dụng để lừa đảo. Chỉ cần một tấm ảnh chân dung rõ nét, thông qua ứng dụng chỉnh sửa Deepfake, nhiều người có thể tạo ra hình ảnh động để nhân vật nói, chuyển động cơ mặt như thật”, anh Nguyễn Minh Quân, kỹ sư công nghệ Trung tâm Tin học TCS (thành phố Hồ Chí Minh), chia sẻ.
Như Báo Hànộimới đã đưa tin, đầu tháng 3-2023, Công an tỉnh Quảng Nam đã triệt phá nhóm tội phạm chuyên chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook để lừa các nạn nhân có quan hệ thân quen với chủ tài khoản mạng xã hội. Theo đó, nhóm này lập một trang web bình chọn một cuộc thi hay sự kiện, dẫn dụ người dùng tự cung cấp tài khoản mạng xã hội Facebook như tên đăng nhập, mật khẩu, số điện thoại để chiếm quyền sử dụng, qua đó biết được danh sách bạn bè, số điện thoại...
Sau đó đối tượng nhắn tin, gửi 1 đường link yêu cầu người dùng tự quét mã QR và đăng nhập Zalo qua giao diện web, nhưng thực tế, khi làm như vậy, chủ tài khoản đã cho phép đối tượng quyền sử dụng tài khoản Zalo của mình. Khi đã chiếm đoạt được tài khoản, các đối tượng nhắn tin cho bạn bè trong danh bạ người đó để hỏi mượn tiền. Nhiều người không để ý khi nhận tin nhắn, tưởng bạn bè cần tiền nên đã chuyển... Nhóm tội phạm gồm 6 tên, tuổi đời từ 18-22, đã chiếm đoạt hơn 2 tỷ đồng từ chiêu lừa này.
Qua những vụ việc như vậy, lực lượng công an khuyến cáo, người dân cần hết sức cảnh giác với những chiêu trò mới này, tránh trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo.