Hà Nội khẳng định tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền
Chính trị - Ngày đăng : 19:56, 09/03/2023
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương và đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Hoàng Đăng Quang; lãnh đạo Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và 20 học viên là các Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Đại biểu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.
Trình bày báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho biết, thực hiện Đề án Đẩy mạnh phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền, Hà Nội đã rà soát tổng thể những nhiệm vụ quản lý nhà nước thuộc thẩm quyền của cấp thành phố, cấp huyện, cấp xã tại các luật, nghị định, thông tư; rà soát toàn bộ thủ tục hành chính thành phố đang triển khai; từ đó, xác định những nhiệm vụ nào đã được thành phố phân cấp, ủy quyền...
Trên cơ sở đó, thành phố đã nghiên cứu, đề xuất tiếp tục điều chỉnh, bổ sung quy định phân cấp cho cấp huyện đối với 9 lĩnh vực - là những lĩnh vực liên quan đến vấn đề dân sinh, với ít nhất 210 nhiệm vụ chính được phân cấp. Vừa qua, thành phố đã thực hiện phân cấp, ủy quyền đối với 708/1.910 thủ tục hành chính, chiếm khoảng 37% tổng số thủ tục hành chính.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải cho rằng, việc phân cấp, ủy quyền bước đầu mang lại lợi ích thiết thực, giúp chính sách, các quy định của pháp luật được thực hiện nhanh chóng, chính xác; rút ngắn khoảng cách giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp với người dân, doanh nghiệp; cải thiện, nâng cao Chỉ số cải cách hành chính, Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức...
Từ việc triển khai phân cấp, ủy quyền, thành phố đã ghi nhận một số khó khăn, hạn chế, như các quy định pháp luật còn chồng chéo, thiếu thống nhất; nhận thức ở các cấp còn hạn chế, dẫn đến lúng túng trong triển khai thực hiện. Một số đơn vị chưa phân định rõ giữa việc phân cấp, ủy quyền và việc giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư các dự án…
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định, quyết tâm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền của thành phố xuất phát từ thực tế công tác cải cách hành chính chưa đạt yêu cầu, quy trình giải quyết thủ tục hành chính còn cản trở sự phát huy các nguồn lực đầu tư phát triển. Đồng chí Bí thư Thành ủy dẫn chứng, có trường hợp nhà đầu tư muốn bỏ tiền ra để xây dựng trường, thành phố cũng rất cần, nhưng làm thủ tục 3 năm không giải quyết được.
“Từ những vấn đề như thế và câu “Hà Nội không vội được đâu” dư luận hay nói mà chúng tôi coi là “nỗi đau”, lãnh đạo thành phố quyết tâm phải làm bằng được việc phân cấp, ủy quyền”, đồng chí Đinh Tiến Dũng chia sẻ.
Tuy nhiên, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, để có được kết quả phân cấp, ủy quyền như hiện nay, thành phố đã phải mất hơn một năm triển khai các bước, bảo đảm tính khoa học, đủ căn cứ pháp lý và đặc biệt, phải thực hiện với quyết tâm chính trị rất cao, trước hết là trong Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố.
“Kinh nghiệm của chúng tôi là phải ngay từ đầu việc thành lập Ban Chỉ đạo, sau khi trao đổi thống nhất thì giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan; đặc biệt là phải giao khoán chỉ tiêu. Như vừa rồi, thành phố đã giao ít nhất phải phân cấp, ủy quyền được 40%. Khi làm thì phải có đầu, có cuối, nghĩa là phân công nhiệm vụ rồi thì phải hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá”, đồng chí Đinh Tiến Dũng nói.
Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, mặc dù kết quả vừa qua rất tích cực, nhưng đây mới chỉ là bước đầu. Thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa, làm sao để tạo điều kiện tốt nhất phát huy các nguồn lực phát triển và cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp.
Nhất trí với ý kiến trao đổi của lãnh đạo thành phố Hà Nội, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng cảm ơn và đánh giá cao sáng kiến tổ chức hội nghị trao đổi kinh nghiệm với lớp “Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho các đồng chí Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII”. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần đổi mới trong thiết kế chương trình học tập mà Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đang triển khai thực hiện.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cũng đánh giá cao kết quả, cách làm, kinh nghiệm và đặc biệt là quyết tâm chính trị của thành phố Hà Nội trong thực hiện nhiệm vụ phân cấp, ủy quyền và cải cách hành chính. Đồng chí đề nghị các học viên, trên cơ sở những trao đổi của thành phố Hà Nội, tiếp tục tìm hiểu, nghiên cứu để bổ sung kiến thức trong quá trình học tập tại học viện, tích luỹ kinh nghiệm để áp dụng vào công tác trong thời gian tới.