Phát triển nuôi biển bền vững để giải quyết vấn đề IUU
Nông nghiệp - Ngày đăng : 17:30, 09/03/2023
Triển khai nhiều giải pháp
Thông tin về tiến độ triển khai Kế hoạch 180 ngày chống khai thác IUU theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Trần Đình Luân cho biết, thời gian qua, Bộ đã tổ chức các hội nghị phổ biến các khuyến nghị của thanh tra Ủy ban châu Âu (EC), hội nghị quán triệt Quyết định số 81/QĐ-TTg...
Việc thông tin, truyền thông về chống khai thác IUU, một số tỉnh đã làm rất mạnh, chẳng hạn như tỉnh Kiên Giang trực tiếp làm việc với Cảnh sát biển, gặp gỡ ngư dân, lập danh sách các tàu có nguy cơ để báo cáo lên cấp Trung ương, phối hợp với các nghiệp đoàn nghề cá, hiệp hội để tuyên truyền về Quyết định 81.
Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục hoàn thiện việc cấp phép cho tàu cá hoạt động; hoàn thiện lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (VMS) cho tàu đi khai thác (đạt 96,6%); kiểm tra, xử phạt tàu cá không duy trì kết nối VMS, tháo lắp VMS sai quy định; tiếp tục rà soát, cập nhật tàu nguy cơ cao vi phạm IUU; thực hiện kiểm soát 100% số tàu cá vào cảng bốc dỡ sản phẩm; giám sát 100% sản lượng bốc dỡ qua cảng.
Đến nay, đã có 8/28 tỉnh đã được thành lập lực lượng kiểm ngư địa phương. Cùng với đó, các tỉnh rà soát, kiểm tra hồ sơ xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm theo quy định, mở đợt cao điểm tuần tra tại các vùng biển giáp ranh, chồng lấn, ngăn chặn tàu IUU; tổ chức các mô hình hội quán, nghiệp đoàn ở các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa để chống khai thác IUU…
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là nuôi biển theo Quyết định 1664/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân cho biết, đến nay, diện tích nuôi biển cả nước đạt 85.000ha, với 8,9 triệu mét khối lồng; sản lượng nuôi biển đạt 750.000 tấn. Tổng số cơ sở nuôi biển của nước ta có khoảng 7.447 cơ sở, với 248.768 lồng (bè).
Về con giống, đến nay, Việt Nam đã sản xuất được cá biển, nhuyễn thể và rong biển với nhiều công nghệ, mô hình nuôi khác nhau, bước đầu tạo thị trường cho mặt hàng nuôi biển. “Tuy nhiên, hiện nay, phát triển nuôi biển ở Việt Nam còn rất gian nan bởi nhận thức về giá trị nuôi biển còn hạn chế, rủi ro lớn, nguồn lực thiếu, hiểu biết thị trường cho sản phẩm nuôi biển chưa sâu”, ông Trần Đình Luân cho biết thêm.
Đối với mô hình đồng quản lý nghề cá - đồng quản lý dựa vào cộng đồng, theo ông Lê Trần Nguyên Hùng, Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Cục Thủy sản), mô hình này đã được ngành thủy sản triển khai hơn 30 năm, tổng cộng có khoảng 54 mô hình đồng quản lý trước khi có Luật Thủy sản 2017. Tuy nhiên, mô hình này còn nhiều vướng mắc, chưa phát huy hiệu quả.
Đổi mới công tác tuyên truyền
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh tầm quan trọng của nuôi biển đối với quá trình giải quyết vấn đề khai thác IUU của ngành thủy sản. Việc phát triển nuôi biển là để giảm khai thác, giảm xung đột trong quá trình bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xây dựng ngành thủy sản bền vững. Theo đó, vấn đề nuôi biển cần được phát triển bền vững với 3 trụ cột chính là: Kinh tế, môi trường, xã hội, trong đó yếu tố xã hội chính là con người, cụ thể ở đây là ngư dân.
“Để việc này phát huy hiệu quả, các địa phương cần đổi mới cách tiếp cận trong tuyên truyền nâng cao nhận thức về chống khai thác IUU trong ngư dân. Theo đó, phải hướng vào ngư dân, phải hiểu được người dân đang nghĩ gì và muốn gì; phải kiên trì trong tuyên truyền, qua đó thay đổi nhận thức của ngư dân trong tham gia bảo vệ tài nguyên thủy hải sản và khai thác bền vững; đồng thời tập huấn, cung cấp kỹ năng, kiến thức trong chuyển đổi nghề cho ngư dân.
Về xây dựng cộng đồng quản lý, muốn thành công, cần chứng minh được khi hợp tác lại với nhau “miếng bánh” sẽ lớn hơn, do đó, cần có biện pháp truyền thông thích hợp để thuyết phục ngư dân”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.