Đến với Axan

Chính trị - Ngày đăng : 09:31, 14/07/2007

(HNM) - Tuyến đường công vụ từ Atiêng - trung tâm huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam) lên Axan khoảng 40km đã được san ủi, mở rộng, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Lên đến đỉnh dốc Abanh, Axan hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh giữa rừng núi.

Đường lên Axan. Ảnh: PA

(HNM) - Tuyến đường công vụ từ Atiêng - trung tâm huyện lỵ Tây Giang (Quảng Nam) lên Axan khoảng 40km đã được san ủi, mở rộng, việc đi lại thuận tiện hơn rất nhiều. Lên đến đỉnh dốc Abanh, Axan hiện ra trước mắt tôi như một bức tranh giữa rừng núi.

Xã Axan có đường biên giới giáp với huyện Kà Lừm (tỉnh Xê Kông, Lào). Xã hiện có 700 gia đình với hơn 4.000 nhân khẩu. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, đồng bào Cơtu nơi đây luôn tin tưởng và đi theo tiếng gọi của Đảng, của Bác Hồ. Hơn 300 người con của các bản làng Cơtu ở Axan đã anh dũng hy sinh xương máu của mình. Hàng nghìn lượt người dân trong xã không ngại gian khổ, hy sinh vượt suối băng rừng vận chuyển vũ khí, lương thực. Già làng Bhling Lâd ở thôn Arầng 1 vẫn nhớ như in những chuyến gùi đạn, trên các nẻo đường biên từ Axan về P’rao và ngược lại, hay từ Tây Giang qua bên kia Tà Vàng của nước bạn Lào. Những lần vấp đá tóe máu, những vết thương do bom đạn đã liền da lâu rồi vẫn để lại dấu sẹo lớn trên đôi chân của ông. Hôm xã vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nhiều người dân đã bật khóc. Già Lâd nghẹn ngào: “Bây giờ núi rừng đã thay đổi nhiều rồi, đồng bào mình không còn thiếu ăn như trước. Nhờ có Đảng, cách mạng mà người dân mình không chịu cảnh rúc núi như con mang, con hoẵng trong rừng”.

Trung tá Dương Phúc Long, Chính trị viên Đồn Biên phòng 649 đưa tôi đi thăm cánh đồng lúa nước tại trung tâm xã. Khắp các vùng núi cao Quảng Nam, không nơi đâu có ruộng lúa nước rộng như Axan. Riêng cánh đồng này đã chiếm hơn 80ha trong tổng số 120ha lúa nước ở Axan. Ông Hồ Văn Um, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, những thửa ruộng trên địa bàn đều do bộ đội hướng dẫn và giúp dân khai hoang trồng lúa nước từ thời chiến tranh và sau ngày hòa bình. Đặc biệt, gần 10 năm trở lại đây, nhờ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 649 giúp dân mở rộng diện tích lúa nước, hướng dẫn kỹ thuật chăm bón, đưa các giống lúa ở đồng bằng và cây lúa lai vào gieo cấy nên năng suất không ngừng nâng lên, đạt 3 - 4 tấn/ha. Nhờ cây lúa nước mà các gia đình trong xã không lo thiếu ăn những khi giáp hạt. Mấy mẹ con chị Zơrâm Thị Hương đang gặt nốt số lúa còn lại trên chân ruộng. Thân lúa tốt ngang bụng đứa con gái đầu của chị. Những bông lúa dài hơn gang tay, với những hạt vàng ươm chắc mẩy. Chị Hương khoe: “Gặt xong đám ruộng này cũng được 100 ang lúa. Từ nay đến mùa lúa trước tết, cũng dư ăn rồi”.

Cả xã Axan hiện có hơn 18 nghìn con gia cầm; 4.230 con gia súc. Ba năm qua, từ chương trình nuôi bò của bộ đội biên phòng và nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách - xã hội, các hộ chăn nuôi đã phát triển đàn bò được 120 con. Anh Võ Tấn Lũy, cán bộ Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện cho biết: “Ngân hàng đã giải ngân 4 tỷ đồng vốn vay phát triển nuôi bò cho đồng bào các xã Axan, Gary, Ch’ơm và Tr’hy. Qua theo dõi nguồn vốn vay, chúng tôi thấy bà con đều chăn nuôi có hiệu quả, bảo đảm trả gốc và lãi. Trên cơ sở này, ngân hàng đã quyết định mở rộng chương trình vay vốn chăn nuôi bò ở 4 xã khu 7, Tây Giang”. Anh Đoàn Minh Vương, Phó Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Nhờ chương trình khai hoang làm lúa nước và phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nên xã không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo dưới 40%. Con em đồng bào đều được đi học. 70% gia đình có điện thắp sáng từ công trình thủy điện nhỏ và thủy điện gia đình, 12 thôn bản có trạm thu sóng Truyền hình Việt Nam... Cùng với nguồn kinh phí của Trung ương và sự hỗ trợ của địa phương, xã đã xây dựng 3 cây cầu treo, 5 công trình nước sạch và 42 trạm thủy điện lớn nhỏ. Chương trình quân dân y kết hợp đã giúp cho người dân biết cách phòng, chống dịch bệnh, không còn tin vào thầy cúng.

Chia tay Axan trong buổi sớm. Tiếng gà trong các cơrnon (làng) của người Cơtu gáy vang gọi mặt trời nhô lên đỉnh núi. Con trai con gái mang gùi lên rẫy, ra đồng. Trung tâm xã đã rộn tiếng động cơ xe máy. Lũ con nít tung tăng cắp sách đến trường. Axan đã và đang phát huy truyền thống anh hùng để xây dựng điểm sáng vùng biên ngày càng phát triển.

Lê Phước Trịnh

ANHTHU