Sẽ điều chỉnh quy định về định mức giáo viên trên lớp
Giáo dục - Ngày đăng : 13:33, 08/03/2023
Cụ thể, nhằm thực hiện Nghị định số 106/2020/NĐ-CP ngày 10-9-2020 của Chính phủ quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ xây dựng thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm, định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông và các trường chuyên biệt công lập.
Liên bộ đã thống nhất điều chỉnh quy định từ định mức giáo viên/lớp sang định mức giáo viên/số lượng học sinh/lớp theo từng vùng, miền. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xin ý kiến thống nhất với Bộ Nội vụ để hoàn thiện dự thảo thông tư và ban hành theo thẩm quyền.
Hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định định mức giáo viên theo lớp, áp dụng chung trên toàn quốc. Theo đó, lớp mẫu giáo học một buổi một ngày được bố trí tối đa tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp; tỷ lệ này với lớp mẫu giáo học hai buổi một ngày là 2,2; với nhóm trẻ là 2,5.
Ở cấp tiểu học, trường dạy một buổi trong ngày được tối đa tỷ lệ 1,2 giáo viên/lớp; trường dạy 3 buổi/ngày được bố trí tối đa 1,5 giáo viên/lớp. Ở cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông, định mức giáo viên/lớp là 1,9-2,2 và 2,25-3,1, tùy theo loại hình trường học.
Cùng với đó, để bảo đảm công tác giảng dạy và chất lượng giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Bộ Nội vụ chỉ đạo các địa phương rà soát, tổng hợp số liệu thừa, thiếu giáo viên và đề xuất Chính phủ bổ sung giáo viên mầm non, phổ thông theo lộ trình từ nay đến năm 2026.
Trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, Bộ Chính trị đã giao bổ sung biên chế giáo viên trong giai đoạn từ năm 2022 đến 2026. Riêng năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo cả nước được giao bổ sung 27.850 biên chế giáo viên mầm non, phổ thông công lập.
Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026; báo cáo Liên bộ Giáo dục và Đào tạo, Nội vụ để bổ sung biên chế nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương.