Dấu ấn du lịch Việt Nam tại Hội chợ ITB (Đức) 2023
Du lịch - Ngày đăng : 13:26, 08/03/2023
Việt Nam sẵn sàng đón khách quốc tế
ITB Berlin là hội chợ du lịch quốc tế vào hàng lớn nhất trên thế giới. Hằng năm, hội chợ thu hút sự tham gia của hơn 10.000 đơn vị triển lãm từ gần 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới, nhằm giới thiệu, quảng bá điểm đến, sản phẩm, dịch vụ. Mỗi kỳ triển lãm có khoảng 180.000 khách tham quan để gặp gỡ, tìm kiếm đối tác, tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh, cập nhật xu hướng mới của thị trường, khám phá các điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu.
Tham gia Hội chợ du lịch ITB năm nay, Tổng cục Du lịch phối hợp với Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch cùng nhiều địa phương, doanh nghiệp chuẩn bị các chương trình, hoạt động để đẩy mạnh quảng bá và các hoạt động trao đổi thương mại trong lĩnh vực du lịch.
Chia sẻ từ Berlin, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh cho biết, tham gia Hội chợ ITB lần này, ngành Du lịch Việt Nam cập nhật thông tin về chính sách mở cửa du lịch, quảng bá mạnh mẽ thông điệp “Live Fully in Vietnam” (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) gắn với thương hiệu “Vietnam - Timeless Charm” (Việt Nam - Vẻ đẹp vượt thời gian). Việt Nam sẵn sàng chào đón khách du lịch quốc tế trở lại với nhiều sản phẩm, điểm đến mới, hấp dẫn, đáp ứng xu hướng, nhu cầu, thị hiếu mới của du khách sau dịch.
Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, du lịch Việt Nam đã và đang tập trung tái cơ cấu thị trường, đổi mới sản phẩm theo hướng đa dạng hóa, tăng sức cạnh tranh, sức hấp dẫn trên thị trường, đồng thời nối lại và mở thêm nhiều đường bay quốc tế đến các thị trường mục tiêu như châu Âu, Mỹ, Australia và Ấn Độ.
“Việt Nam đã sẵn sàng chào đón du khách quốc tế quay trở lại để trải nghiệm trọn vẹn một Việt Nam đầy sức sống với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, nền văn hóa đậm đà bản sắc, con người thân thiện, mến khách và ẩm thức hấp dẫn”, ông Nguyễn Trùng Khánh khẳng định.
Quảng bá sản phẩm du lịch xanh, thân thiện
Dấu ấn của du lịch Việt Nam khi tham gia hội chợ lần này là gian hàng chung có diện tích 250m2 với những mô hình độc đáo, ấn tượng của Khuê Văn Các (Hà Nội), Chùa Cầu (Hội An), chợ Bến Thành (thành phố Hồ Chí Minh), cùng các hình ảnh quảng bá về các điểm đến, loại hình sản phẩm du lịch đặc sắc, thể hiện vị thế của du lịch Việt Nam tại hội chợ du lịch lớn nhất thế giới.
Đoàn Việt Nam tham gia hội chợ có đại diện 43 doanh nghiệp lữ hành, hàng không, khách sạn; 2 địa phương là trung tâm du lịch và một số doanh nghiệp xây dựng gian hàng riêng. Những điểm đến, sản phẩm được giới thiệu tại Hội chợ ITB 2023 đều mới, hấp dẫn và có sức hút với thị trường quốc tế, đặc biệt là du khách châu Âu, những người đang tìm kiếm trải nghiệm du lịch bền vững và ý nghĩa sau dịch Covid-19.
Ngày 8-3, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Công ty lữ hành MrLinh’s Adventure (Hà Nội) Nguyễn Tuấn Linh cho biết, xu hướng du lịch của khách quốc tế thay đổi nhiều, hướng về du lịch xanh, vì thế, đơn vị tập trung quảng bá, giới thiệu những sản phẩm trải nghiệm thiên nhiên mới nổi tại Việt Nam, như: Khám phá Na Hang (Tuyên Quang), trải nghiệm Du Già (Hà Giang), thám hiểm hang Bắc Kạn, Vườn quốc gia Cúc Phương...
Ngoài ra, nhiều đơn vị lữ hành Việt Nam cũng khai thác một số sản phẩm mới ở miền Nam và Tây Nguyên, như tour du lịch bảo tồn thiên nhiên tại Tây Nguyên, các tour du lịch biển đảo tại Phú Quốc (Kiên Giang), Cát Bà (Hải Phòng)...
Theo Tổng cục Du lịch, sau khi mở cửa trở lại hoạt động du lịch từ ngày 15-3-2022, lượng tìm kiếm về du lịch Việt Nam trên Google liên tục tăng mạnh. Năm 2022, Việt Nam đón 101 triệu lượt khách du lịch nội địa; 3,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; tổng thu du lịch đạt 21,6 tỷ USD. Trong đó, khách châu Âu đạt 365.000 lượt, khách Đức đạt 59.900 lượt - là thị trường lớn thứ hai ở châu Âu. Mục tiêu trong năm 2023, Việt Nam đón 8 triệu lượt khách du lịch quốc tế, tổng thu du lịch đạt khoảng 28,4 tỷ USD.
Việt Nam kỳ vọng, sau Hội chợ ITB, thông tin về các chính sách kích cầu du lịch, sản phẩm du lịch mới của Việt Nam sẽ tạo sức hút cho khách quốc tế, đặc biệt là thị trường châu Âu sẽ có nhiều khởi sắc.