Đới Đăng Hỷ - Trọn niềm đam mê với vật

Thể thao - Ngày đăng : 09:27, 08/07/2007

(HNM) - Cùng lứa với Trần Văn Sơn, cùng lớn lên từ phong trào vật của huyện Gia Lâm, Đới Đăng Hỷ trở thành một tên tuổi được coi trọng trong làng vật Việt Nam. Sau những cống hiến của Hỷ và các đồng đội ở Hà Nội  cho làng vật Việt Nam, nhiều người đã bình luận: “Không biết đến bao giờ vật Việt Nam tìm được một lứa hay như vậy?”.

(HNM) - Cùng lứa với Trần Văn Sơn, cùng lớn lên từ phong trào vật của huyện Gia Lâm, Đới Đăng Hỷ trở thành một tên tuổi được coi trọng trong làng vật Việt Nam. Sau những cống hiến của Hỷ và các đồng đội ở Hà Nộicho làng vật Việt Nam, nhiều người đã bình luận: “Không biết đến bao giờ vật Việt Nam tìm được một lứa hay như vậy?”.

“Trung Mầu quê tôi”

Khi nói về bước đường đến với vật, “Trung Mầu quê tôi” là câu đầu tiên mà Đới Đăng Hỷ hay nhắc đến. Cái chất giọng bao giờ cũng vậy- đầy tự hào. Tự hào về một vùng quê thuần nông nổi tiếng về vật, đến đứa trẻ con cũng biết dăm ba miếng vật và ở đó có một tên tuổi lớn trong làng vật Việt Nam - Lê Văn Sức, người góp công làm nên phong trào vật nữ Việt Nam mạnh như hiện nay. Theo phân chia ngôi thứ trong họ, ông Sức là anh họ của Đới Đăng Hỷ. Lên Trung tâm đào tạo VĐV cấp cao Hà Nội, nhiều người chưa biết chuyện này cứ tròn mắt ngạc nhiên thấy Hỷ (sinh năm 1978) thản nhiên gọi ông Sức, hơn đúng 20 tuổi, bằng “anh”.

Chính “anh” Sức là người đưa Hỷ tới môn vật. Cách đây gần 20 năm, thấy cậu em đằng vợ nhanh nhẹn, hiếu động nên ông bảo Hỷ tới tập ởCLB của xã, do chính ông Sức đứng lớp. Sẵn có năng khiếu nên Đới Đăng Hỷ nhanh chóng thích nghi, tiến bộ trông thấy. Cũng vì vậy chuyện Hỷ được chọn vào tuyển trẻ của vật Hà Nội là đương nhiên. Khi ấy là những năm 1990-1991. Con đường mà Hỷ chọn có phần khác với sự mong đợi của gia đình. Bố Hỷ là Hiệu trưởng trường Phổ thông cơ sở xã cũng muốn các con đi theo nghiệp “phấn trắng bảng đen” nhưng cuối cùng cũng tôn trọng sự lựa chọn, đam mê của con. ít nhiều cậu bé Hỷ cũng khiến gia đình yên tâm với chức vô địch giải trẻ quốc gia đầu tiên của mình vào năm 1992 dù ai cũng biết thời đó đi theo thể thao đỉnh cao là phải chấp nhận kham khổ: sáng sớm ăn gói xôi 2000 đồng rồi đi tập, bữa cơm 5000 đồng (dù là theo thời giá lúc đó) cũng không là gì với những cậu bé đang “tuổi ăn tuổi ngủ”. Không kể, chuyện đi lại cũng khó khăn, con nhà nghèo như gia đình Trần Văn Sơn hay Đới Đăng Hỷ lấy đâu tiền để mua xe máy, đi về nhà hay từ nhà đến chỗ tập (dạo ấy ở Sài Đồng, Gia Lâm) cũng chỉ bằng chiếc xe đạp cọc cạch, mất cả một pêđan. Nhưng khi đam mê át đi tất cả, những chuyện ấy chỉ là tiểu tiết. Có vậy mới làm nên những tên tuổi được người khác tôn trọng.

11 năm vô địch quốc gia

Đới Đăng Hỷ thi đấu ở hạng trung ( 60kg, 63kg, 66kg), hạng cânlúc nào cũng xuất hiện trong chương trình thi đấu các Giải vô địch, các Đại hội thể thao quốc tế và bao giờ cũng đông VĐV. Do vậy Đới Đăng Hỷ cũng là đô vật hay được xuất ngoại bởi đơn giản ai xuất sắc nhất hạng cân của mình thì được đưa đi dự giải.Cứ căn cứ vào thành tích tại Giải vô địch quốc gia thì Hỷ là sự lựa chọn đương nhiên. Nó bắt đầu từ năm 1996, khi Đới Đăng Hỷ được tung vào thảm đấu vô địch quốc gia. Năm ấy hạng cân mà Hỷ tham dự vẫn sừng sững một Hoàng Thế Nghĩa (Hải Phòng) trấn giữ. Nhưng cậu em Đới Đăng Hỷ đã hạ luôn đàn anh để đăng quang và giữ ngôi từ đó đến nay. Trong khoảng thời gian đó, 2 lần Hỷ đoạt chức vô địch quốc gia trong tình trạng chấn thương nặng. Một lần vào năm 2002, bị chấn thương vai, coi như thi đấu với 1 tay. Lần thứ 2 - năm 2004, bị dãn dây chằng cổ, cổ cứng đơ. Dân trong nghề bảo rằng không hẳn là do Hỷ tài năng mà thắng đối thủ, nếu thời điểm Hỷ bị chấn thương là vào những năm đầu sự nghiệp thì đã khác. Đơn giản do cái tên Đới Đăng Hỷ đã làm nhụt chí các đối thủ của anh. Tất nhiên để đạt được điều ấy không phải ai cũng làm được.

Cùng lứa với Hỷ và Trần Văn Sơn ở đội Hà Nội còn đô Trần Anh Tuấn (nay là HLV đội nữ Hà Nội) nổi tiếng về lối đánh kỹ thuật cũng đoạt HCV SEA Games 1997 nhưng sớm giải nghệ vào năm 2000. Họ là 3 gương mặt sáng giá nhất của vật Hà Nội những năm cuối 1990, đầu những năm 2000. Nhiều người cũng tiếc cho lứa Trần Văn Sơn, Đới Đăng Hỷ, Trần Anh Tuấn (cùng lứa đi tập huấn tại Nga) rằng nếu các SEA Games tổ chức đều đặn môn vật từ 1997 đến 2005 thì thành tích của họ không dừng lại ở 2 HCV SEA Games. Hỷ còn đoạt HCV Giải vô địch châu á - Thái Bình Dương, vào nhóm 8 VĐV mạnh nhất tại ASIAD - một thành tích đầy ấn tượng với một VĐV vật Việt Nam.

Nghiệp làm thầy

Đến giờ Hỷ vẫn muốn tiếp tục đóng góp cho đội tuyển quốc gia và thực tế chưa đô nào ở Việt Nam vượt qua Hỷ, kể cả khi anh thi đấu với 70% phong độ. Nhưng sự đời trớ trêu, Hỷ lại không có tên trong danh sách đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho SEA Games 24. Một sự vắng mặt khó hiểu! Cùng với việc được phân công làm Phó Chủ nhiệm CLB vật Hà Nội, Hỷ kiêm luôn HLV tuyến trẻ Hà Nội nơi anh từng làm quen từ thời còn là VĐV ( đi dạy vật ở mấy xã của Gia Lâm mỗi khi được nghỉ tập vào cuối tuần). Thế là cậu bé Hỷ ngày nào lại đi theo nghiệp thầy, như cha mình từng mong đợi với một ước mong đào tạo thật nhiều đô vật tầm cỡ, luôn bộc lộ sự sáng tạo trong lối đánh mà không nhất nhất theo bài giảng của thầy... Nhưng hiện tại nếu có một cơ hội để góp mặt ở đội tuyển quốc gia, chắc nhà vô địch quốc gia liên tục 11 năm qua sẽ không từ chối…

Minh Quang

ANHTHU