Quyền lợi của người lao động tại doanh nghiệp đã phá sản, giải thể được giải quyết thế nào?
Đời sống - Ngày đăng : 18:00, 07/03/2023
Tại chương trình, người lao động dành sự quan tâm và đề nghị các chuyên gia giải đáp rõ về chế độ thai sản, dưỡng sức sau sinh; mức hưởng BHYT khi khám, chữa bệnh; lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu… Trong đó, vấn đề người lao động đặc biệt quan tâm là quyền lợi của lao động nữ tại những đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH đã phá sản, giải thể.
Trả lời người lao động, các chuyên gia cho biết, theo các quy định hiện hành, tại các đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN mà người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Số tiền đóng bao gồm cả tiền lãi do chậm đóng theo quy định.
Sau đó, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động. Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ, thì cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng tiền. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ, cơ quan BHXH sẽ xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
Trong trường hợp người lao động có nguyện vọng tự đóng các khoản tiền để được bảo đảm các quyền lợi, thì các cơ quan chức năng cũng không có căn cứ để giải quyết. Hiện chưa có quy định nào cho phép giải quyết theo hướng này. Vì vậy, người lao động làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp đã phá sản, giải thể cần liên hệ với cơ quan BHXH để được xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đơn vị đã đóng.
Nếu người lao động đã nghỉ việc tại đơn vị, doanh nghiệp phá sản, giải thể, chưa được chốt sổ BHXH, hiện đã chuyển sang công ty mới làm việc, thì người lao động cần phối hợp với đơn vị mới để kê khai thủ tục tham gia BHXH.