Hiệu quả ban đầu từ triển khai bệnh án điện tử
Sức khỏe - Ngày đăng : 10:46, 07/03/2023
Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh thông tin, trong năm 2023, ngành Y tế tập trung triển khai 2 hoạt động trọng tâm trong chuyển đổi số là xây dựng hồ sơ sức khoẻ điện tử cho người dân thành phố và xây dựng kho dữ liệu dùng chung của ngành Y tế.
Với mục tiêu tạo sự thuận lợi tối đa cho người bệnh và nhân viên y tế, tính đến tháng 3-2023, Bệnh viện Bình Dân đã triển khai các phần việc trong quy định về hồ sơ bệnh án điện tử theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, đạt mức 5/7. Hiện mỗi ngày, bệnh viện đón khoảng 2.000 bệnh nhân ngoại trú và 900 bệnh nhân nội trú khám và chữa bệnh.
Trong năm 2022, bệnh viện đã hoàn thiện số hoá 25 biểu mẫu trong hồ sơ bệnh án, 100% khoa lâm sàng áp dụng bệnh án điện tử, 100% nhân viên y tế được tập huấn.
Thạc sĩ Võ Thuận Anh, Điều dưỡng trưởng Bệnh viện Bình Dân cho biết: “Trước đây, điều dưỡng phải viết tay 5 biểu mẫu trên giấy sau khi chăm sóc người bệnh, mất khá nhiều thời gian. Hiện nay, bệnh viện đã phát triển các nội dung trên 1 biểu mẫu điện tử, giúp rút ngắn thời gian ghi chép. Hơn nữa, các thông số như mạch, nhiệt độ, huyết áp của người bệnh được vẽ tự động ngay khi điều dưỡng nhập các dữ liệu. Chỉ cần một chiếc máy tính bảng, điều dưỡng có thể truy cập nhanh chóng tt cả các hồ sơ người bệnh, y lệnh điều trị từ các bác sĩ mà không cần mang theo hồ sơ giấy khi thăm bệnh nhân tại giường bệnh như trước nữa”.
Hồ sơ điện tử đang trở thành công cụ hữu hiệu của bác sĩ trong việc ghi nhận hồ sơ người bệnh và ra các y lệnh điều trị. Với hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh (PACS), các bác sĩ có thể xem những hình ảnh siêu âm, X-quang, CT-scan, MRI… ngay khi người bệnh vừa chụp xong. Thời gian chờ đợi có kết quả chụp chiếu được giảm đáng kể. Điều này đặc biệt hữu ích trong trường hợp cấp cứu, bác sĩ phải “chạy đua với thời gian” để cứu sống người bệnh.
Với chức năng cảnh báo tương tác thuốc, các bác sĩ có thêm một trợ thủ đắc lực giúp phát hiện nhanh chóng những thuốc sắp kê toa có tương tác bất lợi với những thuốc người bệnh đang dùng hay không. Ngoài ra, những y lệnh điều trị được hệ thống công nghệ tổng hợp và gửi ngay đến các bộ phận có liên quan như Dược lâm sàng, Dinh dưỡng tiết chế để cấp phát thuốc, chuẩn bị các suất ăn dinh dưỡng cho người bệnh.
Cùng với chữ ký số, các y lệnh được ghi nhận theo thời gian thực trong hồ sơ người bệnh, giúp cho việc quản lý được thuận tiện, khoa học và rõ ràng, góp phần điều trị người bệnh an toàn và hiệu quả hơn.
Đáng chú ý là toàn bộ mã nguồn đều do đội ngũ kỹ sư công nghệ thông tin của bệnh viện thực hiện và hoàn thiện “đo ni đóng giày” theo đúng các yêu cầu thực tế trong hoạt động điều trị đặt ra, phù hợp với những công việc, điều kiện mang tính đặc thù của Bệnh viện Bình Dân.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng, Giám đốc bệnh viện cho biết, đơn vị cũng đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin như dùng điện thoại di động quét mã QR đăng nhập phần mềm hướng dẫn điểm đến trong bệnh viện, truy cập nhanh chóng các phiếu tóm tắt thông tin điều trị, phiếu đóng góp ý kiến của người bệnh được triển khai đến từng phòng bệnh.
“Bệnh viện cũng ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hướng dẫn người dân các thông tin như lịch khám, chi phí, những điều cần lưu ý qua thăm khám trên hệ thống tư vấn trực tuyến qua website, fanpage. Chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện các ứng dụng này và áp dụng thêm nhiều giải pháp số nữa cho công tác khám, chữa bệnh, phục vụ bệnh nhân trong thời gian tới”, bác sĩ Trần Vĩnh Hưng thông tin.