Khúc ruột nghìn dặm đã nối liền rồi
Xã hội - Ngày đăng : 14:20, 28/06/2007
Xe trực chỉ hướng bắc dọc xa lộ số 5, có muốn đi nhanh cũng không được vì là chiều thứ sáu thường vẫn có lệ đông xe. Nhưng khi rẽ vào đường địa phương số 1, xe cộ đã thưa dần. Đồng hồ chỉ đúng 7:giờ 30, theo trong thiệp mời đó là giờ khai mạc. Tôi thầm nghĩ phen nầy trễ mất rồi. Tiếc quá! Không được "làm phỏng vấn" cũng như không được trò chuyện với những người quen. Tôi nhấn ga, 65, 75 rồi 85 miles mà vẫn cảm thấy chậm. Khi thấy đường Niguel tôi nhả bớt ga cho xe chạy chậm lại để quẹo vào đường Monarch Beach. Bên đường phía tay mặt, một đám biểu tình với cờ xí vàng, ba sọc đỏ hiện ra. Tôi ước lượng cao tay lắm không hơn 300 người. Thế mà về sau nầy nhóm truyền thông chống Cộng thổi phồng con số lên đến mấy nghìn người?! Cảnh sát gác đường ra hiệu cho các xe chạy chậm lại. Cửa kiếng xe hai bên được quay xuống để sẵn sàng vào cổng chìa thiệp mời ra cho an ninh làm bổn phận. Tôi nghe một trong những người biểu tình chửi thề lớn tiếng: “ Đ.m. Tưởng là chúng nó có ít đứa dám đến. Nhưng không ngờ mà đông dữ thần, xe cứ ào ào phóng tới “.
Tôi thấy đối diện với đám biểu tình ở phía bên kia đường là hàng rào Cảnh sát. Nào là Cảnh sát Kỵ mã, Cảnh sát Khuyển và nào là An ninh mang băng đỏ gác đường. Trước khi vào cổng, tất cả xe hơi phải ngừng lại để cho nhân viên An ninh kiểm thiệp mời. Cứ 15 thước lại có một nhân viên An ninh đứng ngay bên đường ra hiệu cho các xe tiến vào. Vì đến trễ, nên bãi đậu xe không còn chỗ trống. Nhân viên An ninh phải dẫn đoàn xe chúng tôi đỗ ngay một sân cỏ bên đường. Chúng tôi phải đi bộ trở lại nơi ngã ba đường. Tại đây, có 5 nhân viên An ninh đứng túc trực. Họ bảo chúng tôi cứ đứng đợi đây. Nhiều lắm là 10 phút nữa xe buýt của khách sạn sẽ chở chúng tôi đến chỗ tiếp tân. Đứng chờ chưa tới 5 phút, xe buýt đã đến đón. Chúng tôi lên xe. Xe chạy khoảng 500 thước thì ngừng lại. Chúng tôi xuống xe, không ai bảo ai. Trước mặt chúng tôi một cái sân rộng hiện ra với đèn đuốc sáng choang như giới thiệu những khuôn mặt rạng rỡ. Từ quý ông cho đến quý bà, quý cô; người nào cũng ăn vận như đi dạ hội. Cũng may, địa điểm Chủ tịch Nguyễn Minh Triết nói chuyện với Việt kiều được tổ chức ngay gần sát bờ biển nên dẫu có "đóng bộ" vào một đêm hè mà vẫn thấy mát rượi nhờ gió biển thổi vào từng chập.
Bây giờ tôi mới biết là mình đã không đến trễ. Nghe đâu máy bay chở ông Chủ tịch nước và phái đoàn chưa đáp xuống phi trường John Ways của quận Cam.
Hình như không cần chỉ dẫn hay dặn dò, theo nhiều người khách cầm thiệp mời trên tay, chúng tôi từ từ tiến lại trước một cái bàn. Ngồi sau bàn là nhân viên quen của Tòa Tổng Lãnh sự Việt Nam tại San Francisco đang kiểm lại danh sách nơi thiệp mời. Hễ kiểm xong thì có một nhân viên khác đứng cạnh đấy trao cho chúng tôi một thẻ có dây đeo. Trong tấm thẻ bằng ni-lông đó có một tờ giấy ghi hàng chữ Viet Nam Business Association (Hiệp hội Thương mại Việt Nam). Nhìn vào tấm thẻ, chúng tôi mới biết là Hiệp hội này đã trợ lực Tòa Tổng Lãnh sự tại San Francisco tổ chức tiếp tân.
Chúng tôi đi vào nơi gần hội trường. Khách mời đến rất đông, người ta đứng tụm năm, tụm bảy nói chuyện với nhau. Tại đây, tôi gặp lại Phan Mẫn, một sinh viên đa tài của Đại học San Diego. Khoảng 7, 8 năm về trước Mẫn đã chứng tỏ tài năng của mình bằng nhiệm vụ Phối trí viên, thay mặt trường tổ chức một buổi hội thảo ‘Bắc một nhịp cầu” để đại diện Tòa Đại sứ Việt Nam tại Hoa Thịnh Đốn trao đổi chuyện đổi mới của Việt Nam với Kiều bào tại California. Cuộc thảo luận giữa hai tư tưởng khác biệt nhau rất gay cấn. Tuy nhiên, đây là bước đầu để Tòa Đại Sứ Việt Nam "mang chuông đi đánh xứ người". Sau những câu thăm hỏi thân mật giữa tôi và Mẫn. Mẫn nói nhỏ những gì với người bạn gái đi cùng. Hình như Mẫn nói qua sơ về tôi với người bạn nên cô ta chào tôi và nói với giọng thân mật: “Cháu chào bác, xưa nay cháu vẫn nghe tên bác, nhưng mãi đến bây giờ mới được vinh hạnh gặp bác”. Tôi nói với cô ta vài lời cảm ơn và không quên nói đùa dò dẫm: “Cô thật gan dạ, dám tới gặp "chúa trùm Việt Cộng" nơi nầy”. Cô ta chẳng những không để ý câu nói của tôi mà còn đi xa hơn: “Tất cả những người hiện diện nơi nầy đêm nay đều là những cảm tình viên của Việt Cộng. Cháu không ngờ không khí buổi gặp nói chuyện của ông Nguyễn Minh Triết lại đông đảo hơn nhóm biểu tìnhchống Cộng ngoài đường”.
Tại đây, những người hầu bàn đã mang thức ăn nhẹ như bì cuốn, chả giò, tôm chiên bột mời khách. Chung quanh có nhiều quầy rượu phục vụ cho khách mời. Đây là nhà hàng khách sạn Mỹ, chắc họ đặt người Việt Nam làm những món ăn chơi rất ư là Việt Nam. Phía trước, người ta từ từ rời chỗ để tiến vào hội trường. Chúng tôi cũng thong thả vào theo.
Ngay nơi cửa vào đã có những nhân viên an ninh khám xét những ví đầm hay giỏ xách tay của mấy bà, mấy cô để ngăn ngừa có người mang vũ khí vào phòng họp. Cũng tại đây, nhân viên an ninh dùng gậy “magic” rà soát người để dò tìm vũ khí cất giấu trong người. Không một người nào thoát khỏi cảnh rà tìm này cả. Vào bên trong hội trường, chúng tôi được mời ngồi vào bàn, cứ mỗi bàn là 12 người. Ngồi đợi khoảng nửa giờ thì ông Chủ tịch nước và Phái đoàn Chính phủ và Quốc hội mới đến. Lúc nầy, những dãy bàn đã đặc nghẹt người, không có bàn nào trống cả. Nhìn quanh quất và thử nhẩm tính tất cả phòng hội có vào khoảng non một nghìn người khách.
Đúng như tôi đề cập về cậu sinh viên Phan Mẫn. Mẫn đứng bên micro giới thiệu Trưởng ban Tố chức buổi nói chuyện là tiến sĩ Trần Tuấn Anh, Tổng Lãnh Sự Việt Nam tại San Francisco. Hình như Mẫn đã ra trường từ lâu và hiện nay đang là viên chức của một ngành nào đó thuộc bang California. Ông Tổng Lãnh Sự đang giới thiệu chủ tịch Nước Nguyễn Minh Triết cùng phái đoàn. Tôi nhận biết trong đoàn có ông Phạm Gia Khiêm, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và bà Tôn Nữ Thị Ninh, Phó Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam. Những bó hoa tươi đẹp trong vòng tay những phụ nữ Việt kiều mặc áo dài đang được trao tặng cho ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết và phu nhân.
Thật là xúc tích, với giọng xúc động đầy chất Nam bộ, ông Chủ tịch Nguyễn Minh Triết xướng lên những vần thơ như nối vòng tay lớn, như mở rộng con tim, như muốn được ôm vào lòng của nghìn Việt kiều đang hiện diện tại hội trường. Lời thơ đã thay mặt người đọc với giọng êm đềm trìu mến:
"... Quê hương là cầu tre nhỏ, Mẹ về nón lá nghiêng che...
Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người..."
Từ đầu câu chuyện cho tới đoạn kết, tuyệt nhiên đây không phải là một diễn văn của một người đứng đầu đất nước hiệu triệu nhân dân Việt Nam, những lời lẽ mặn nồng như đường mật của mía, như đượm mùi sầu-riêng đang ngấm vào lòng người tha hương... Hội trường trở nên sôi động, như có một có một cái gì thiêng liêng được mời gọi yêu thương của bà Mẹ Việt Nam đang nở một nụ cười mãn nguyện khi nhận biết trên cõi đời nầy không có gì quý bằng các con của bà đã không quên bốn chữ: “Quê Hương Việt Nam”. Ông Triết nhắc đến tâm nguyện của Nhà nước Việt Nam và của riêng ông là “Sống trên đời là để yêu thương nhau”. Điều đặc biệt, khi đế cập đến đám người biểu tình chống đối ngoài đường, không một chút thành kiến ông đã gọi họ là những người anh em. Ông nói: “Tôi thấy họ với những biểu ngữ, tôi muốn xuống xe để mời tất cả những anh chị em đó vào chung vui buổi họp mặt đông đảo của chúng ta”. Ông cũng đã tường trình với kiều bào rằng mối giao hão giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cùng chuyến đi nầy đã thành công ngoài dự liệu. Ông Chủ tịch thông báo cho bà con Việt kiều biết: ”Chuyến thăm viếng lần nầy thu được nhiều kết quả khả quan trong mối tương quan giữa Việt Namvà Hoa Kỳ”. Và cũng như báo chí Mỹ đăng tải lời xác nhận của tổng thống Bush sau cuộc gặp giữa hai người đầu nước: “Việt Nam luôn luôn là một tương quan chiến lược của Hoa-kỳ”. Ngoài ra, nhiều văn bản về thương mãi cũng được ký kết, con số lến tới 6,7 tỷ Mỹ kim.
Những lời thành thật của ông Triết khi nói về yêu thương, xóa bỏ hân thù, nhất là khi ông nói như mời gọi: “Những ai chưa về quê hương hãy về một lần xem. Những ai về rồi hãy về nhiều hơn nữa”. Không phải là tưởng tượng, không phải là ước mơ mà đó là sự thật. Để ý quan sát, tôi thấy nhiều bà con đã lấy khăn lau những giọt lệ tuôn ra từ kh oé mắt. Những cặp vợ chồng hay những cặp tình nhân đang xiết chặt tay nhau như chào đón, như thông cảm với những lời lẽ xuất phát từ đáy lòng của ông chủ tịch Nguyễn Minh Triết.
Không khí hội trường sôi động với những tràng vỗ tay náo nhiệt, sau khi ông Chủ tịch Nước nâng ly chúc tụng bà con Việt kiều. Không phải chỉ là lời hứa sẽ xem xét nữa, mà một trong nhiều nguyện vọng tha thiết của Việt kiều đã trở thành hiện thực khi có lời xác nhận của ông Chủ tịch nước: “Bắt đầu ngày 1 tháng 9 tới đây, bà con về thăm quê hương khỏi cần xin thị thực (visa) nữa".
Để kết thúc buổi nói chuyện tâm tình, ông Chủ tịch nâng ly: “Tôi xin gởi đến tất cả bà con, các anh chị em, các cháu những tình cảm sâu nặng, đậm đà của quê hương”.
Có thể nói rằng chuyến đi nầy của chủ tịch Nguyễn Minh Triết cùng phái đoàn Chính phủ và Quốc hội Việt Nam thành công mỹ mãn. Nhất là một vị Nguyên thủ quốc gia như ông Nguyễn Minh Triết còn có những lời lẽ đượm tình thân ái đối với những người cùng một Mẹ Việt Nam, tuy giờ đây họ đang vô tình chống đối lại dân tộc. Không nhiều thì ít, chắc chắn là từ nay những người chống đối đã không lộng ngôn bịa đặt tuyên truyền một cách vô lý rằng: “Ông Nguyễn Minh Triết sợ họ nên phải đi bằng cửa sau”? Kể như chúng tôi, là những người Việt kiều bình thường còn đi bằng cửa trước, huống hồ gì ông Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch của Nhà nước Việt Nam được Tống thống Bush đáp lễ mời ông Triết đến, đi đến đâu ông cũng đều được cơ quan công lực Hoa Kỳ bảo vệ một cách chặt chẽ.
Ai còn bảo “Khúc ruột nghìn dặm”. Nói vậy mà không phải vậy! Nó đã nối liền từ đêm thứ sáu, 22 tháng 06 năm 2007 tại thành phố Dana Point gần bãi biển thơ mộng “Monarch” thuộc quận Cam, nơi Việt Kiều cư ngụ đông nhất nước Mỹ. Chúng ta có thể gọi đây là một đêm lịch sử.
Nhiều người bảo: “Ông chủ tịch nước chuyện trò với Kiều bào”. Nhưng riêng chúng tôi lại quan niệm rằng đây là “Một người trong nước tâm tình với nhiều người ngoài nước”, hay “một đồng bào tâm sự với cố tri”. Vì sau buổi nói chuyện lịch sử đó nhiều người xưa nay vẫn kiên trì giữ vững lập trường chống Cộng nay ra chiều phân vân. Tôi đoan chắc là như vậy vì sau khi bế mạc, đứng đợi xe buýt để về bãi đậu xe. Tôi bất ngờ gặp Trần Văn Chi. Không nén được bức xúc, tôi tự hỏi: “Sao tay- chống-Cộng này cũng được mời”? Bằng chứng trên giấy trắng mực đen, trong môt Chương sách do Trần Văn Chi viết, Chi đã đòi được phục hồi cái tên cũ của thành phố cũ Sàigòn, thay vì cái tên mới là Thành phố Hố Chí Minh đã được đổi mới sau ngày thống nhất đất nước. Đến nay đã hơn ba chục năm rồi. Tôi không biết rõ trình độ học vấn của Chi. Nhưng có lẽ anh nhớ Sài Gòn như nhớ đến quá khứ mà Chi cho là vàng son ở Đại học Hòa Hảo. Ở đó, năm xưa người ta gọi anh là “giáo sư Trần Văn Chi”. Không để mất thời giờ trước khi ra về, tôi vào đề ngay bằng câu hỏi nửa đùa, nửa thât: “Thật không ngờ một người như anh lại xuất hiện ở chốn này"? Không đợi Chi trả lời, tôi bồi ngay: “Sao, anh thấy ông Triết nói chuyện hấp dẫn không”? Chi trả lời ngay không chút do dự: “Hay đáo để, không dè ông ta lại thuộc nhiều câu thơ quá vậy. Ông ấy đã nói chuyện cởi mở đặc chất Nam bộ”. Để chia tay, tôi nói với Chi: “Hẹn dịp khác gặp lại”. Ra về, ngồi trên xe tôi nghĩ rằng anh ta biết rõ lập trường của tôi nên mới trả lời như thế. Mong rằng bất kỳ ai hỏi thăm anh ta về buổi nói chuyện của ông Triết với Kiều bào anh ta cứ ngay tình mà nói không thêm, không bớt.
Tôi tin rằng chuyến đến thăm viếng của ông Nguyễn Minh Triết và phái đoàn Chính phủ cũng như Quốc hội Việt Nam lần này không những gặt hái được thành công mỹ mãn về mặt ngoại giao, kinh tế, xã hội... mà còn là chuyến đi lịch sử đã gây được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng bà con Việt kiều. Nhất định là “Những ai chưa về quê hương sẽ về một lần xem. Những ai về rồi càng về nhiều hơn nữa”.
Hoài Việt (Việt kiều Mỹ)/Theo VNN