Cảnh giác với những luận điệu xuyên tạc về công tác cán bộ
Xây & Chống - Ngày đăng : 09:01, 06/03/2023
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn khẳng định vị trí, vai trò đặc biệt của công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn: “Cán bộ là cái dây chuyền của nhà máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt. Cán bộ là những người đem chính sách của Chính phủ, của đoàn thể thi hành trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.
Chính vì vậy mà công tác cán bộ, nhất là nhân sự cấp cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, luôn là chủ đề thu hút sự quan tâm của xã hội. Đặc biệt, với những vị trí trọng yếu trong các cơ quan của Đảng và Nhà nước, việc ai được bổ nhiệm sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai, vận mệnh của đất nước, luôn nhận được sự theo dõi của cộng đồng.
Sự kiện đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư được bầu làm Chủ tịch nước đã được dư luận đặc biệt quan tâm. Tuyệt đại đa số nhân dân đều hoan nghênh sự lựa chọn đúng đắn của Bộ Chính trị, Ban chấp hành Trung ương Đảng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trong việc giới thiệu và thay mặt nhân dân bỏ phiếu bầu người đứng đầu Nhà nước. Đồng chí Võ Văn Thưởng là cán bộ cấp cao của Đảng được đào tạo bài bản, có năng lực, uy tín và kinh nghiệm công tác, đã kinh qua nhiều vị trí lãnh đạo quan trọng của Trung ương và địa phương.
Đặc biệt, phát biểu sau Lễ Tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã gây dấu ấn sâu đậm trong tâm trí người dân Việt Nam về một vị đứng đầu Nhà nước khiêm tốn, dung dị, tôn trọng nhân dân. “Tôi may mắn trưởng thành trong nghĩa Đảng, tình dân, được truyền cảm hứng từ bàn tay, khối óc, sự cần cù, chịu thương chịu khó và nỗ lực vươn lên của người dân ở cả 3 miền đất nước. Tôi luôn tâm niệm phải nỗ lực, cố gắng để làm nhiều hơn nữa những điều có ích, kiên trì theo đuổi những giá trị tốt đẹp" - Chủ tịch nước nói.
Thế nhưng, có một thực tế là mỗi khi Đảng, Nhà nước và nhân dân ta giành được thắng lợi hay gặt hái được thành quả hoặc vui mừng trước những thành công thì các thế lực thù địch và những kẻ cơ hội chính trị lại hậm hực. Chúng ra sức xuyên tạc về quy trình bầu Chủ tịch nước, về thân thế, sự nghiệp, đời tư của đồng chí Võ Văn Thưởng. Chúng rêu rao rằng, “Đảng đã làm thay Nhà nước, làm thay Quốc hội”. Chúng đòi “phải để người dân trực tiếp bầu Chủ tịch nước”. Thậm chí, bài phát biểu rất ấn tượng của đồng chí Chủ tịch nước trước Quốc hội đã được báo chí đăng tải công khai, chúng cũng “mổ xẻ” và xuyên tạc.
Có lẽ chúng không biết hoặc cố tình không muốn biết về quy trình bầu Chủ tịch nước tại kỳ họp Quốc hội vừa qua theo đúng Hiến pháp năm 2013.
Điều 87 của Hiến pháp quy định rõ “Chủ tịch nước do Quốc hội bầu trong số đại biểu Quốc hội”. Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân ở đơn vị bầu cử ra mình và của nhân dân cả nước.
Tại phiên họp toàn thể vừa qua, Quốc hội đã nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình về việc bầu Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026. Sau khi thảo luận tại Đoàn, Quốc hội nghe Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận ở Đoàn và kết quả phiếu xin ý kiến về nhân sự bầu chức vụ Chủ tịch nước. Tiếp đó, Quốc hội thông qua danh sách bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng và biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau đó, Tổng Thư ký Quốc hội trình bày dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bầu Chủ tịch nước. Quốc hội đã thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết bầu Chủ tịch nước đối với đồng chí Võ Văn Thưởng với kết quả 487/488 đại biểu Quốc hội (98,38%) tán thành.
Trước đó, Ban chấp hành Trung ương Đảng đã họp và nhất trí giới thiệu đồng chí Võ Văn Thưởng để Quốc hội bầu Chủ tịch nước. Như vậy, Đảng không làm thay Nhà nước, không làm thay Quốc hội. Trình tự bầu Chủ tịch nước theo đúng quy định của Hiến pháp, không hề có việc ”vi hiến” như những lời bịa đặt, xuyên tạc của các thế lực thù địch.
Thực ra, âm mưu xuyên tạc công tác cán bộ của các thế lực thù địch không có gì mới. Trước đó, mỗi khi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội thực hiện các thủ tục miễn nhiệm, bổ nhiệm đối với một số đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước theo quy định của pháp luật và Điều lệ Đảng, làn sóng tuyên truyền xuyên tạc lại rộ lên. Chúng tung lên không gian mạng nhiều sản phẩm dưới các hình thức như bài viết, video, phỏng vấn trực tuyến, tọa đàm... với các nội dung xuyên tạc, cho rằng: Môi trường chính trị ở Việt Nam đang có biến động lớn bởi sự “độc tài”, “độc đoán” của chế độ “Đảng trị”...
Thế nhưng luận điệu xuyên tạc công tác cán bộ của các thế lực thù địch lần này lại ẩn chứa thêm nhiều nội dung nguy hiểm, pha trộn giữa thông tin giả và thông tin thật rồi suy diễn, cắt cúp theo chủ ý cá nhân để gây ra sự hoài nghi của công chúng.
Trước những sản phẩm truyền thông xấu độc nêu trên, đại đa số cán bộ, đảng viên, công dân của chúng ta do có nhận thức đúng đắn, lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị vững vàng đều đã hiểu rõ đây là âm mưu, thủ đoạn chống phá đất nước của các đối tượng cơ hội, thù địch. Tuy nhiên, mọi người cũng cần tỉnh táo, cảnh giác để phân biệt được đúng, sai trước những gì được gọi là “phân tích”, “nhận định”, “đánh giá”, “nhận diện”, “dự báo”... về “môi trường chính trị ở Việt Nam” trên các trang mạng xã hội.