Gương hiếu nghĩa thời nay
Xã hội - Ngày đăng : 07:59, 25/06/2007
Từ năm 2000 đến 2007, chị Bùi Bích Vân, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ, cộng tác viên DS - GĐ - TE phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm đã làm tốt việc vận động 382 phụ nữ và 266 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Trong ảnh: Gia đình chị Vân sau giờ làm việc
Ở nước Trung Hoa cổ đại, Nho giáo nêu 24 trường hợp hiếu thảo được coi là gương mẫu cho mọi người noi theo. Những câu chuyện này thật giản dị, trong đời ai đã đọc một lần đều nhớ mãi. Đó là lão Lai, người nước Sở, ngoài 70làm ra vẻ mình còn trẻ để vui lòng cha mẹ. Ông mặc năm màuáosặcsỡ,làm trò trẻ con múa hátđùagiỡn ngoài sân, rồi khi lấy nước lại giả vờ ngã và khóc. Đó là Dương Hương, người đời Tấn, năm 14 tuổi theo cha ra ruộng gặt lúa. Cha bị hổ vồ. Hương tay không, chỉ biết cha mà chẳng biết mình, nhảy lên chặn cổ con hổ dữ. Hổ nghiến răng mà đi. Nhờ vậy cứu được cha. Đọc chuyện xưa, ngẫm chuyện nay. Trong cuộc đời, tôi có may mắn được gặp nhiều người, dù hoàn cảnh nào vẫn giữ trọn đạo làm con, nêu gương sáng hiếu nghĩa. Sau đây xin được kể ba trường hợp. Năm 1992, tôi biết nghệ nhân Nguyễn Đức Chỉnh, quê làng Đại Bái, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh, hiện ở ngõ Mai Hương, qua lời giới thiệu của nhà nho Lê Xuân Hòa. Cụ Hòa nói: Ông Chỉnh vẫn giữ được nét đẹp của nhà nho xưa, là người phụng dưỡng mẹ rất hiếu. Một buổi trưa sau tết, các đồng môn trường Kế Thuật đến thăm một người bạn ở xã Ngọc Thụy, huyện Gia Lâm. Cỗ bàn đã bầy biện xong nhưng ông Chỉnh lại cáo từ, vì bấy giờ đã gần một giờ chiều. Ông Chỉnh phân trần với bạn: Tôi hẹn với cụ là 12 giờ về. Giờ này mà chưa thấy mặt, cụ tôi mong và cứ ngồi đợi cơm. Trong gia đình, ông Chỉnh là người làm ra tiền, nhưng người quản lý danh dự vẫn là mẹ. Có lần, dắt xe đạp đi với tôi, ông đến bên mẹ lễ phép thưa: Con xin phép cụ cho con đi với anh Mỹ độ một tiếng con về. Cụ cho con xin hai nghìn phòng xe hỏng. Năm thân mẫu 80 tuổi, ông nhờ nhà điêu khắc Đinh Xuân Việt tạc tượng, phòng mai này trăm tuổi, thì hình hài mẹ vẫn còn. Năm thân mẫu 90 tuổi, ông tổ chức lễ mừng thọ, có đông con cháu, nghệ nhân làng nghề và các bạn văn thơ ở Câu lạc bộ thơ Hán Nôm Hà Nội đến dự. Tự thân lại viết bức trướng bằng chữ Hán Nôm lên lụa đỏ mừng thọ mẹ. Nội dung bức Hạ thân mẫu cửu tuần thượng thọ trướng được ông dịch ra quốc ngữ rồi phỏng dịch ra thể thơ lục bát, trong đó có câu: Khi cha lâm bệnh qua đời/Mẹ cam vất vả một thời gian truân (...) Đời người chịu mấy tang thương/ Ơn trời tuổi thọ khang cường đến nay/ Cũng là cơ tạo vần xoay/ Kém điều kia được điều này trời thương. Những bài thơ văn mừng thọ thân mẫu được ông biên tập, minh họa, in thành tập rồi dâng lên mẹ. Do được ông Chỉnh và gia đình chăm sóc chu đáo, thân mẫu ông thọ 95 tuổi mới mất. Ông Vũ Xuân Hỷ, ở 191 phố Minh Khai, làm ở nhà in Lê Văn Tân rồi về hưu. Năm thân phụ 84 tuổi, đôi mắt của cụ bị mờ dần, việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Hằng ngày, bất kỳ có việc đi đâu, ông đều về nhà đúng giờ lo cơm nước, tắm giặt cho cụ. Để cụ đi lại tự nhiên và khỏi bị lạc, ông buộc một sợi dây từ đầu giường qua sân độ 20 mét đến nhà vệ sinh, phòng lúc con cháu không có ở bên, cụ lần theo đó mà đi. Nhớ ơn bậc sinh thành, để lưu mãi hình ảnh thân thương của cha, ông nhờ họa sĩ truyền ảnh thân phụ lên đĩa men gốm và nung tại Nhà máy sứ Hải Dương. Năm 1995, ông Hỷ có vinh hạnh được tổ chức lễ mừng đại thọ thân phụ 90 tuổi. Dịp này, ông Hỷ đề xuất và được các em, con, cháu đồng ý, ông đưa thân phụ vào Bệnh viện Thanh Nhàn phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo cho cụ. Trong 10 ngày ở bệnh viện, ông đều ở bên chăm sóc thuốc thang. Khi ra viện, đôi mắt cụ đã sáng trở lại và đã tự làm một số việc trong sinh hoạt, tự thân đi thăm con cháu chắt ở xung quanh nhà. Cụ mất năm 2004, thọ 99 tuổi. Tốt nghiệp Học viện Quân y, vào chiến trường Quảng Trị năm 1972 rồi về Viện Quân y 108, năm 1993 bác sĩ trung tá Lê Trung Nhật nghỉ hưu. Với chuyên môn cao, lại có nhà riêng ở dốc Vạn Kiếp, ông có thể dễ dàng chữa bệnh kiếm tiền trên đất Hà Nội. Năm 2001, thân phụ bị bệnh nặng, ông về quê nhà thôn Tiểu Quan, xã Phùng Hưng, Khoái Châu, Hưng Yên chăm sóc cha già. Lòng hiếu nghĩa đã giữ ông ở hẳn lại quê hương. Hằng ngày, người cha không chỉ được con trai chữa trị đúng cách mà còn được chăm sóc mọi mặt. Một lần pha nước ấm vào chậu to rồi bế cha đi tắm, sân rêu trơn, bị trượt ngã, không nỡ để cha bị đau, ông nhanh nhẹn dùng chân mình để đỡ, làm đầu gối bị trợt da chảy máu và thành sẹo. Đáp lại công ơn của người mẹ nghèo đã dạy con đánh vần chữ a, chữ b từ tấm bé, sau khi cha mất, ông Nhật cùng vợ ngày đêm lại hết lòng phụng dưỡng mẹ. Tháng 7-2006, cụ ốm nặng tưởng khó qua khỏi, nhưng cũng do được chữa trị đúng cách, cụ đã bình phục dần và hiện nay ở tuổi 94 cụ vẫn khỏe mạnh. Những tấm gương hiếu nghĩa như trên có nhiều trên đất Hà Nội. Chính những vẻ đẹp bình dị đó đã tiếp tục làm đẹp thêm phẩm chất của người Thăng Long-Hà Nội Trần Văn Mỹ - - - - - - - - - - -
Cùng bạn viết
Thăng Long - Hà Nội không phải chỉ có những chuyện trong quá khứ. Trong thời gian tới, đề tài ưu tiên của chúng tôi là thời chúng ta đang sống, những con người, sự kiện, công trình mới... để nói lên sức sống của thành phố hôm nay.
Địa chỉ thư điện tử: thi1000nam@hanoimoi.com.vn
Phông chữ VnArial
B.T.C