Khắc ghi Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân trong trái tim, khối óc và hành động hằng ngày
Chính trị - Ngày đăng : 12:24, 06/03/2023
Dự lễ kỷ niệm có các Ủy viên Bộ Chính trị: Chủ tịch nước - Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai, Bí thư Trung ương Đảng - Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng - Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phan Văn Giang, Bí thư Thành ủy - Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; lãnh đạo các ban, bộ, ngành đoàn thể trung ương; lãnh đạo thành phố Hà Nội, một số tỉnh, các đơn vị Quân đội nhân dân; đại diện các tầng lớp nhân dân, sinh viên, thanh niên Thủ đô Hà Nội.
Đại biểu Bộ Công an có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công an (chủ trì buổi lễ); các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an; đại biểu nguyên lãnh đạo Bộ Công an; đại diện Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong Công an nhân dân; đại biểu công an hưu trí và thế hệ trẻ Công an nhân dân; người có công và thân nhân liệt sĩ Công an nhân dân; các điển hình tiên tiến trong học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy...
Lời Người - Ánh dương dẫn lối
Mở đầu buổi lễ, các đại biểu đã thưởng thức chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Lời Người - Ánh dương dẫn lối”. Với chất lượng nghệ thuật cao, mang đậm chất sử thi, chương trình đã tái hiện lịch sử vẻ vang, những hy sinh thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ lực lượng Công an nhân dân Việt Nam qua các thời kỳ, đặc biệt là ý nghĩa to lớn của Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân đối với quá trình xây dựng và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân Việt Nam.
Trình bày diễn văn kỷ niệm, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy Công an Trung ương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, ngày 11-3-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh có thư gửi Công an Khu XII về tư cách người công an cách mệnh, đó là: "Đối với tự mình, phải cần, kiệm, liêm, chính. Đối với đồng sự, phải thân ái, giúp đỡ. Đối với Chính phủ, phải tuyệt đối trung thành. Đối với nhân dân, phải kính trọng, lễ phép. Đối với công việc, phải tận tụy. Đối với địch, phải kiên quyết, khôn khéo". Lời dạy của Bác chỉ có 51 từ, 6 câu ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ. Tuy mộc mạc, nhưng nội hàm vô cùng phong phú và sâu sắc, thể hiện đầy đủ về ý nghĩa cách mạng và khoa học, lý luận và thực tiễn, phẩm chất và năng lực của người công an cách mệnh. Đó là những mối quan hệ cơ bản, thiết yếu và quyết định, mang tính định hướng về nguyên tắc, phương châm trong hành động, chuẩn mực về nhân cách của mỗi cán bộ, chiến sĩ công an, dù ở cương vị nào cũng nỗ lực, phấn đấu và rèn luyện để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Theo Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, nhận thức sâu sắc giá trị, ý nghĩa lời dạy của Bác, ngay từ năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bước vào giai đoạn cam go, quyết liệt, lực lượng Công an nhân dân đã nhanh chóng phát động phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với phong trào thi đua ái quốc, với nhiều hình thức phong phú, thiết thực... Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, phong trào Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy tiếp tục được đẩy mạnh. Lớp chỉnh huấn mùa xuân năm 1961 và các cuộc sinh hoạt chính trị năm 1966, 1968, 1972 và 1975 trong Công an nhân dân đều lấy Sáu điều Bác Hồ dạy làm nội dung để cán bộ, chiến sĩ kiểm điểm, xây dựng ý chí quyết tâm, niềm tin sắt đá vào thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
Trong thời kỳ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và đổi mới, hội nhập quốc tế, phong trào học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy tiếp tục phát triển theo chiều sâu. Đặc biệt, đã gắn kết chặt chẽ việc học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy với việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và việc thực hiện trách nhiệm nêu gương, góp phần xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Qua việc thực hiện hiệu quả phong trào “Công an nhân dân học tập, thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy" và được tôi luyện trong công tác, chiến đấu, lực lượng Công an nhân dân đã không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, lập nên nhiều chiến công, thành tích xuất sắc, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và tặng thưởng 16 Huân chương Sao vàng, 100 Huân chương Hồ Chí Minh và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Thượng tướng Trần Quốc Tỏ nhấn mạnh: “Thực tiễn xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân hơn 75 năm qua đã khẳng định: Mỗi chiến công, mỗi thành tích, mỗi bước trưởng thành của lực lượng Công an nhân dân đều bắt nguồn từ việc thực hiện nghiêm túc Sáu điều Bác Hồ dạy và những sai phạm của cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân cũng đều có nguyên nhân sâu xa do không thực hiện tốt Sáu điều dạy của Người”.
Đại diện thế hệ trẻ Công an nhân dân phát biểu tại buổi lễ, Đại úy Nguyễn Văn Tân (cán bộ Ban Thanh niên Công an nhân dân xung phong tăng cường về Công an xã biên giới Quảng Nhâm, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế) khẳng định lòng trung thành và biết ơn vô hạn đối với Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại; hứa quyết tâm học tập và thực hiện thật tốt Sáu điều Bác Hồ dạy; xung kích, tình nguyện mang tâm trong, trí sáng, hoài bão lớn cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ an ninh trật tự, góp phần xây dựng đất nước ta phồn vinh, hạnh phúc...
Tôn vinh 75 tấm gương tiêu biểu
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố quyết định của Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất cho lực lượng xây dựng lực lượng Công an nhân dân vì có thành tích xuất sắc trong công tác huấn luyện, phục vụ chiến đấu, xây dựng lực lượng Công an nhân dân, giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao tặng vinh dự cao quý này cho đại diện lực lượng xây dựng lực lượng Công an nhân dân.
Trong suốt chặng đường lịch sử 75 năm phấn đấu học tập, rèn luyện theo Sáu điều Bác dạy, lực lượng Công an nhân dân đã lập nhiều chiến công xuất sắc với biết bao tấm gương cán bộ, chiến sĩ tiêu biểu trên các lĩnh vực công tác và chiến đấu. Đó là những tấm gương giản dị, đời thường nhưng hội tụ những phẩm chất, đức tính cao đẹp của người công an cách mạng, bằng những việc làm thiết thực, lực lượng Công an nhân dân đã vận dụng sáng tạo và linh hoạt Lời dạy của Người trong mỗi hành động vì nước, vì dân và vươn tầm ra thế giới, vì một cộng đồng quốc tế hòa bình, ổn định.
Tại lễ kỷ niệm, Bộ Công an tuyên dương 75 gương điển hình tiên tiến đại diện cho hàng ngàn, hàng vạn cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân luôn khắc ghi lời Bác dạy, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân (đại diện Công an thành phố Hà Nội có Trung tá Nguyễn Văn Điểm, Trưởng Công an xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa).
Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm và Thượng tướng - Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ đã trao thưởng cho 75 tấm gương tiêu biểu.
Đưa thành việc làm hằng ngày, thành lối sống, nếp sống
Phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân thực sự là một chỉnh thể thống nhất về hình mẫu của người cán bộ, chiến sĩ công an cách mạng, là đạo lý, tình cảm, là lập trường, quan điểm, tư tưởng của giai cấp công nhân, là nguyên tắc, phương châm hành động, thái độ ứng xử, là chuẩn mực về nhân cách mà mỗi chiến sĩ công an dù ở cương vị công tác nào cũng phải luôn luôn ghi nhớ, thấm nhuần và nỗ lực phấn đấu thực hiện cho bằng được.
“Sáu điều dạy dỗ đó quý lắm, thiêng liêng lắm và có ý nghĩa sâu sắc lắm. Từng câu, từng chữ, từng lời dạy của Bác tuy giản dị, nhưng mãi mãi còn nguyên giá trị, thực sự là ánh sáng, là ngọn đuốc soi đường, chỉ lối, luôn luôn nhắc nhở mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải “Dĩ công vi thượng”, tức là phải đặt công việc chung lên trên hết, đặt lợi ích của Đảng, của Nhà nước, của nhân dân lên trên hết trong việc thực hiện chức trách nhiệm vụ”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Lưu ý bối cảnh, tình hình và nhiệm vụ đất nước đang đặt ra trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề nghị lực lượng Công an nhân dân không được chủ quan, phải thúc đẩy việc học tập Sáu điều Bác Hồ dạy trở thành việc làm thường xuyên, hằng ngày, thành lối sống, nếp sống, cách làm của từng cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, cụ thể hóa Sáu điều Bác Hồ dạy thành những chuẩn mực đạo đức cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, đánh giá đối với từng cấp ủy, đơn vị, cá nhân.
Tổng Bí thư nhấn mạnh, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải thường xuyên tự soi, tự sửa, tự tu dưỡng, rèn luyện; phải luôn luôn tự mình nhận thức sâu sắc và cũng tự mình nỗ lực cao nhất thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy; đặc biệt là lời huấn thị “Đối với tự mình phải cần, kiệm, liêm, chính”, bởi đây là đạo đức trong hành động, là ứng xử trong mọi mối quan hệ mà ai cũng gặp phải hằng ngày...
Mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải tâm niệm về trách nhiệm, bổn phận, nghĩa vụ của mình, phải trung thực, khiêm tốn, kính trọng với nhân dân, biết nhận lỗi và quyết tâm sửa lỗi khi phạm phải; dám chịu trách nhiệm và kỷ luật khi vi phạm; đề cao lòng tự trọng. Đây là những yêu cầu mà mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân - những “công bộc” của dân phải tự ý thức, tự giác ngộ, phải trở thành yêu cầu tự thân. Cụ thể, mỗi cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải xây dựng cho mình một phong cách ứng xử trong mối quan hệ với tự mình, với đồng sự, với Chính phủ, với nhân dân, với đối tượng, đối tác và kẻ địch; phải coi đây là việc làm thường xuyên, khắc ghi trong tiềm thức, trong trái tim, khối óc và hành động thực tiễn trong công tác chiến đấu hằng ngày của mỗi người; luôn luôn rèn luyện, tu dưỡng, giữ mình cho thật trong sạch, vững vàng, không sa ngã trước sự mua chuộc, lôi kéo của các phần tử xấu, lợi ích nhóm, không bị cám dỗ bởi những danh lợi tầm thường, không lợi dụng cương vị công tác để làm phương hại cho lợi ích chung, lợi ích chính đáng của nhân dân.
Nhấn mạnh Quân đội và Công an là hai lực lượng, là thanh kiếm và lá chắn, là hai cánh của một con chim để bảo vệ, giữ gìn hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và để lực lượng Công an nhân dân ngày càng trở thành thanh kiếm sắc bén hơn, lá chắn ngày càng cứng cáp, khỏe mạnh, dẻo dai, nhịp nhàng hơn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho rằng, cần có sự quyết tâm, chung sức đồng lòng của toàn lực lượng Công an nhân dân trong việc học tập và thực hiện Sáu điều Bác Hồ dạy.
“Có như vậy mới giữ được uy tín, danh dự, truyền thống quý báu của lực lượng Công an nhân dân, giữ được niềm tin yêu của nhân dân đối với Đảng, đối với lực lượng Công an nhân dân, đối với Nhà nước, chế độ; mới thực hiện được câu: Vì nước quên thân, vì dân phục vụ, còn Đảng thì còn mình, danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”, Tổng Bí thư chỉ rõ.
Thay mặt lực lượng Công an nhân dân phát biểu tiếp thu, Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định sẽ lĩnh hội và tổ chức quán triệt để thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.
“Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo lực lượng Công an nhân dân học tập và thực hiện có hiệu quả Sáu điều Bác Hồ dạy gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thực sự trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong việc thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, luôn nêu cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, vì cuộc sống bình yên, hạnh phúc của nhân dân”, Bộ trưởng Tô Lâm khẳng định.