sông Tô

Chính trị - Ngày đăng : 18:25, 20/06/2007

Sông Tô lịch xưa và nay khác nhau như thế nào?

Sông Tô Lịch ngày xưa là phân lưu của Sông Hồng, nó là một con sông thiên nhiên, Sông Tô Lịch ngày nay chỉ còn lại phần chính của dòng sông cũ. Năm 1889, Người Pháp đã cho lấp nhánh sông Tô lịch nối với sông Hồng, từ đó con sông được coi như là sông đô thị Hà Nội. Những khác biệt của sông Tô Lịch ngày xưa và ngày nay là chiều dài và chiều rộng sông đã nhỏ đi nhiều, không có nguồn nước bổ cập từ sông Hồng. Nhiều người trong chúng ta hiểu rõ về sông Tô Lịch ngày xưa và hiện tại, nhưng chỉ có những nhà chuyên môn và những nhà quản lý quy hoạch đô thị mới hiểu được tương lai của sông Tô Lịch sẽ như thế nào. Việc bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hoá lịch sử của Con sông Tô thiêng liêng gắn với lịch sử Thăng Long - Hà Nội là rất cần thiết, nhưng thực tế hiện nay và theo quy hoạch chung xây dựng thủ đô Hà Nội thì sông Tô Lịch đã và sẽ thực hiện chức năng là trục thoát nước chính của thành phố.

Hiện trạng và tương lai của sông Tô Lịch như thế nào?

Thực tế hiện nay dòng sông Tô và những kênh mương thuộc lưu vực hệ thống sông Tô Lịch đang phải gánh chịu một lượng nước thải đổ vào rất lớn chưa qua xử lý khoảng 400.000m3 mỗi ngày. Lượng nước thải này đang tăng dần về khối lượng và độ nhiễm bẩn. Một số người nghĩ rằng Dự án 2 của Dự án Thoát nước Hà Nội hoàn thành sau 5 năm nữa lượng nước thải sẽ được thu gom hoàn toàn, không đổ trực tiếp vào sông Tô Lịch nữa. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, trong nội dung Dự án 2 của dự án thoát nước Hà nội không có các công trình cống bao thu gom nước thải mà chỉ tập trung vào cải tạo cống chung nội thành, cống hoá các kênh mương. Như vậy theo tính toán của chúng tôi, sau khi Dự án 2 của dự án Thoát nước HN được thực hiện, lượng nước thải đổ vào sông Tô Lịch sẽ tăng so với hiện tại khoảng 1,3-1,5 lần do nhu cầu dùng nước sạch của người dân tăng lên. Cống hoá các kênh mương trong nội thành sẽ dẫn dến việc nước thải chảy vào sông Tô Lịch sẽ nặng mùi hơn. Nếu dự án thoát nước Hà nội giai đoạn tiếp theo Dự án 2 được thực hiện thì phải ít nhất 8 đến 10 năm nữa, công tác xây dựng hệ thống cống bao thu gom nước thải dọc theo sông Tô Lịch mới thực hiện xong. Đến lúc này, lượng nước thải đổ vào sông Tô Lịch sẽ được giảm tối đa và đương nhiên lúc đó dòng sông Tô Lịch sẽ không có dòng chảy vào những lúc trời không mưa, môi trường nước trên sông cũng sẽ là một vấn đề nan giải.

Hiện sông Tô Lịch cũng đã được bê tông hoá, kè taluy nghiêng bằng bê tông (kiểu vẫn áp dụng cho các kênh mương tiêu thoát nước). Các công trình xây dựng dọc sông như cầu cống, nhà cửa với kiểu kiến trúc thiên về thực dụng, các đình chùa ven sông cũng bị che khuất bởi các công trình kiến trúc hiện đại, không có những khoảng đất trống cho cây xanh và các công trình phục vụ cộng đồng dân cư! Như vậy sông Tô Lịch đâu còn dáng dấp của ngày xưa nữa? Từ những thực tế trên đây, chúng tôi thiết nghĩ cần có những suy nghĩ và cách tiếp cận thực tế hơn khi tìm các giải pháp bảo tồn, tôn tạo giá trị văn hoá lịch sử của dòng sông Tô. Hơn nữa, trong trường hợp môi trường sông có được cải thiện, nếu muốn tạo cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ văn hoá và du lịch ven sông thì cũng không còn quỹ đất. Vậy việc phát huy giá trị của sông Tô Lịch phục vụ cuộc sống dân cư và du lịch sẽ thực hiện như thế nào?

Kinh nghiệm tại một số nước khác như thế nào?

Tại các nước phát triển ở Châu âu và Bắc Mỹ thì phần lớn những con sông đô thị có chức năng tiêu thoát nước đều được cống hoá và đã trải qua hàng trăm năm tồn tại như những kênh ngầm thoát nước đô thị. Một số con sông khác không bị lấp do không phải đơn thuần là kênh thoát nước thì cũng bị cống hoá nhiều đoạn để xây dựng quảng trường, các nút giao thông, công viên đô thị... Gần đây chỉ có trường hợp sông Cheon Kye Chon ở Soul Hàn Quốc, bắt đầu từ một con sông thiên nhiên (tương đương sông Tô Lịch ngày xưa) sau một thời gian cống hoá đã được khơi lại xây dựng thành mương bê tông hở có kích thước nhỏ hơn 5 lần so với dòng sông trước đây (khoảng 7 m) và với lưu lượng dòng chảy rất bé, chiều sâu nước khoảng từ 25-40 cm, hiện nay sông Cheon Kye Chon không thực hiện chức năng thoát nước đô thị. Nước sông được bổ cập từ lưu vực cổ của sông, trong mùa khô nước sông này được bổ cập thêm bằng việc bơm nước từ sông Hàn. Một đoạn sông đã được cải tạo chỉnh trang tốt hiện tại phục vụ cho du lịch với nhiều nhà hàng và cơ sở văn hoá dọc theo hai bờ sông. Với chức năng chính của sông Tô Lịch hiện nay và trong tương lai thực tế chúng ta không có giải pháp để cải tạo sông Tô Lịch theo hướng này.

Vậy giải pháp đề xuất cửa dự án như thế nào?

Trên cơ sở những hiểu biết về lịch sử dòng sông Tô Lịch và kết hợp với tình hình thực tế và chức năng chính của sông Tô Lịch đã được khẳng định trong QH Xây dựng chung của Thủ đô, chúng tôi đã nghiên cứu 1 giải pháp mang tính thí điểm kết hợp giữa cải tạo môi trường cảnh quan với việc xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng, phát triển du lịch trên sông. Tuy nhiên, phương án mà chúng tôi đã đưa ra chưa có sự tham gia ý kiến của các nhà chuyên môn trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tất yếu sẽ còn những khiếm khuyết. Trong buổi báo cáo lần 1 tại UBND Thành Phố vừa qua, chúng tôi đã lĩnh hội được nhiều ý kiến đóng góp bổ ích của đại diện các ngành đặc biệt là ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND TP. Chúng tôi đang gấp rút điều chỉnh với những giải pháp hợp lý hơn, chọn một số điểm thích hợp trên đoạn từ Cầu Giấy đến Cầu Mới, quy mô của GĐ 1 nhỏ hơn, giảm một số chức năng, đề xuất giải pháp kiến trúc hợp lý hơn, và đương nhiên không cống hoá một mét sông nào! Chúng tôi cũng sẽ làm rõ hơn ý tưởng bảo tồn, tôn tạo sông Tô Lịch trong tương lai lâu dài với 1 phương án tổng thể nhằm làm sống lại sông Tô Lịch để trình UBND trong dịp tới. Nếu dược UBND TP Hà Nội chấp thuận, chúng tôi có thể đảm nhận chủ trì thực hiện công tác này 1 cách chi tiết hơn.

Chúng tôi cũng xin nhắc lại rằng ý tưởng của dự án này đã được lãnh đạo UBND TP Hà Nội đưa ra từ hơn 2 năm trước đây, và cũng xin khẳng định Dự án của chúng tôi đề xuất không xuất phát từ nhu cầu kinh doanh thuần tuý, vì nếu đặt lợi ích kinh doanh là mục tiêu hàng đầu thì chúng tôi đã chọn các địa điểm khác đắc địa hơn để xin phép UBND Thành phố.

Với những điều chỉnh trong đề xuất của dự án về quy mô, vị trí và những giải pháp kiến trúc thì chúng tôi hy vọng nhận được sự chấp nhận của UBND Thành Phố và sự ủng hộ của người dân Thủ Đô để Dự án Cải tạo môi trường, cảnh quan, xây dựng các cơ sở dịch vụ công cộng và du lịch trên sông Tô Lịch sẽ được sớm triển khai thực hiện, góp phần kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

HONGVAN