Sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường
Nông nghiệp - Ngày đăng : 06:31, 06/03/2023
Hiệu quả kép
Hiện nay, nhu cầu sử dụng thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp sạch, tự nhiên, hữu cơ đang được người tiêu dùng quan tâm, lựa chọn vì sức khỏe bản thân và cộng đồng. Do đó, đầu tư các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ an toàn đang là hướng đi được nhiều nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp ở Hà Nội lựa chọn.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Đức Phát (huyện Thanh Trì) Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, để tạo hướng đi riêng và sản xuất ra sản phẩm nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện với môi trường, hợp tác xã đã đầu tư phát triển mô hình trồng rau thủy canh. Mỗi năm, hợp tác xã thu hoạch được hơn 7 tấn rau các loại, như xà lách, cải ngọt, rau muống, dưa leo... Ngoài ra, đơn vị còn sản xuất thêm dưa lưới trong nhà màng, với diện tích 1.000m2, thu khoảng 2,4 tấn, mang lại lợi nhuận 70 triệu đồng/vụ.
Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Thoan - chủ trang trại chăn nuôi gà bằng thảo dược ở xã Minh Phú (huyện Sóc Sơn), để hạn chế ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi, từ năm 2017, trang trại đã chuyển hướng sang nuôi gà theo mô hình ủ thức ăn vi sinh kết hợp sử dụng thảo dược. Trang trại của bà Thoan đang có khoảng 3.000 con gà thịt, trung bình mỗi tháng xuất bán 1.000 con/lứa. Thời gian tới, trang trại tiếp tục đầu tư, chăn nuôi theo quy trình để xây dựng thương hiệu thịt gà nhằm đẩy mạnh tiêu thụ.
Ngành Nông nghiệp Hà Nội đang hướng tới nền nông nghiệp xanh, an toàn, thân thiện môi trường…, do đó, nhiều địa phương trên địa bàn thành phố đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi theo hướng hữu cơ, bảo đảm sức khỏe người dân. Đến nay, Hà Nội đã có 164 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 5.000ha sản xuất rau an toàn, hơn 50ha sản xuất rau hữu cơ... Các mô hình này không chỉ tạo nguồn thực phẩm sạch mà còn cho hiệu quả kinh tế cao hơn 15-20% so phương thức sản xuất truyền thống, và đặc biệt là hạn chế ô nhiễm môi trường. Thực tế trên đã cho thấy hiệu quả kép khi sản xuất gắn với môi trường.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Thực tế cho thấy, việc phát triển các mô hình nông nghiệp xanh, an toàn gắn với bảo vệ môi trường thường có chi phí rất cao, trong khi đó, giá bán nông sản an toàn còn bấp bênh. Để tháo gỡ khó khăn và mở rộng mô hình nông nghiệp xanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm sạch Organic Green (huyện Thường Tín) Nguyễn Văn Chữ kiến nghị các ngành chức năng hỗ trợ các hợp tác xã, trang trại về kiến thức sản xuất theo quy trình VietGAP, tạo điều kiện cho vay vốn với lãi suất ưu đãi để đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp an toàn.
Cũng liên quan đến phương thức canh tác hiện đại, phù hợp với xu thế này, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan, thời gian tới, huyện tiếp tục nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp bền vững, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu; kiểm soát chặt chẽ việc lưu hành và sử dụng loại thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, huyện sẽ tập trung phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch, đưa các trang trại ra khỏi khu dân cư; nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản theo quy trình VietGAP.
Hướng tới nền nông nghiệp xanh, thân thiện môi trường, Hà Nội tập trung phát triển các vùng nông nghiệp hàng hóa theo hướng đầu tư cơ sở hạ tầng sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu; sản xuất nông nghiệp xanh đang trở thành mũi nhọn của Nông nghiệp Thủ đô.
Để tiếp tục nhân rộng mô hình nông nghiệp an toàn, thực hiện công tác quản lý, bảo vệ môi trường, theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương, ngành Nông nghiệp tiếp tục phối hợp cùng các ngành chức năng, địa phương tuyên truyền kinh nghiệm hay, phương pháp và cách làm sáng tạo trong nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường. Hà Nội cũng tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp xanh, khuyến khích phát triển thêm nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp phối hợp với các địa phương đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất. Theo đó, ngành tăng cường công tác quản lý, giám sát, thực hiện quy hoạch bảo đảm phát triển ngành có định hướng, bền vững, phát triển sản xuất đi đôi với đầu tư bảo vệ môi trường. Các địa phương có cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân thực hiện xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật, phân bón trên cánh đồng; sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi... Chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác phổ biến các văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nông nghiệp; nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của các cấp và mỗi người dân trong công tác bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp.