Ung thư, đái tháo đường tấn công trẻ em

Sức khỏe - Ngày đăng : 06:15, 06/03/2023

(HNM) - Từ chỗ chủ yếu xuất hiện ở người trung niên đến cao tuổi, thì hiện nay, bệnh ung thư và đái tháo đường đang tấn công cả trẻ em. Sự kiên trì của cha mẹ cùng với việc tuân thủ phác đồ điều trị, giữ vững tinh thần lạc quan chính là liều thuốc quan trọng giúp trẻ vượt qua bệnh tật.

Nhân viên y tế của Viện Huyết học - Truyền máu trung ương thăm hỏi, hướng dẫn phụ huynh cách chăm sóc trẻ mắc ung thư máu. Ảnh: Thảo Hương

8 tuổi mắc đái tháo đường, 1 tuổi điều trị ung thư

Nếu như cách đây 20 năm, Bệnh viện Nhi trung ương chỉ tiếp nhận từ 10 đến 20 bệnh nhi đái tháo đường/năm thì gần đây, mỗi năm có khoảng 80 trẻ được chẩn đoán mắc đái tháo đường cả type 1 và type 2. Đái tháo đường type 1 ở trẻ chủ yếu do gen di truyền từ bố mẹ và rối loạn miễn dịch khiến phá hủy tế bào beta tụy, gây thiếu insulin. Còn đái tháo đường type 2 chủ yếu gặp ở trẻ bị thừa cân, béo phì.

Điển hình như trường hợp của N.T.K. (15 tuổi ở Hà Nội) nặng tới 90kg. Thời gian gần đây, K. luôn mệt mỏi, thèm ăn và uống rất nhiều nước nên gia đình đã đưa em đến bệnh viện. Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền và Liệu pháp phân tử, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Nhi trung ương) cho biết, với kết quả đường máu lên tới trên 20 mmol/l (cao gấp khoảng 3 lần bình thường) kèm theo cao huyết áp, chỉ số mỡ máu cũng cao, em K. được chỉ định nhập viện để điều trị đái tháo đường type 2 và cao huyết áp.

Tương tự, gần đây, tại Khoa Nội tiết (Bệnh viện Nội tiết trung ương) đã tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân (từ 7 đến 18 tuổi) nhập viện với chẩn đoán đái tháo đường type 1 với mức đường huyết rất cao. Tại khoa hiện điều trị một bé gái 8 tuổi mắc đái tháo đường type 1. Trước đó, bé gái này luôn cảm thấy mệt, khát nước, đi tiểu nhiều, sút cân. Bé nhập viện trong tình trạng đường huyết cao tới 26,1 mmol/l (gấp hơn 4 lần bình thường).

Cùng với đái tháo đường, theo Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung thư (Bệnh viện Nhi trung ương), thống kê trên thế giới cho thấy, ung thư là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến bệnh tật ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mỗi năm trên thế giới có thêm khoảng 280.000 người dưới 19 tuổi bị ung thư. Tại nước ta, con số này là khoảng 2.500 trẻ.

Riêng tại Bệnh viện Nhi trung ương, trước đây mỗi năm tiếp nhận khoảng 400 bệnh nhi mắc ung thư, nhưng những năm gần đây có đến 500-600 bệnh nhi ung thư mới/năm. Tại Trung tâm Ung bướu của bệnh viện có những bệnh nhi rất nhỏ, 1 tuổi đã điều trị ung thư.

Còn tại Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, trung bình mỗi ngày điều trị cho khoảng 1.200-1.300 người bệnh, trong đó trên 50% là bệnh ung thư máu. Riêng Khoa Bệnh máu trẻ em hằng ngày điều trị trên 100 bệnh nhi; phần lớn bệnh nhân là ung thư máu cấp tính. Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hà Thanh, Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương lý giải, số lượng trẻ mắc ung thư máu có xu hướng tăng là do việc phát hiện, chẩn đoán, điều trị bệnh đã tốt hơn. Hiện có nhiều kỹ thuật mới phát hiện sớm ung thư đang được ứng dụng. Mặt khác, yếu tố môi trường cũng có thể có tác động đến tỷ lệ ung thư trong cộng đồng.

Bác sĩ Bệnh viện Nhi trung ương thăm khám và tư vấn điều trị cho bệnh nhi mắc đái tháo đường. Ảnh: Xuân Lộc

Tuân thủ tuyệt đối phác đồ điều trị

Hiện nay, với những tiến bộ của khoa học công nghệ và thuốc trong điều trị, tỷ lệ trẻ mắc ung thư khỏi bệnh đã tăng lên. Tại các nước phát triển, trên 80% bệnh nhi ung thư được chữa khỏi, trong khi tại các nước thu nhập thấp và trung bình, tỷ lệ chữa khỏi chỉ đạt 20%.

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Ngọc Lan, Giám đốc Trung tâm Ung thư (Bệnh viện Nhi trung ương), nguyên nhân là do các gia đình bệnh nhi bỏ cuộc, không điều trị. Trước đây tại Bệnh viện Nhi trung ương, tỷ lệ bỏ điều trị lên tới 20%, hiện tỷ lệ này đã giảm còn dưới 10%. “Điều quan trọng trong điều trị ung thư là cha mẹ của bệnh nhi phải thực sự kiên nhẫn, hãy luôn nghĩ ung thư có thể chữa khỏi và cần tuân thủ chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, gia đình cần bảo đảm dinh dưỡng, giúp con đủ sức khỏe để chống lại tình trạng nhiễm khuẩn khi điều trị bằng hóa chất hay phẫu thuật”, Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Ngọc Lan lưu ý.

Cũng như ung thư, khi trẻ bị đái tháo đường, các bác sĩ cho rằng, việc theo dõi đường máu và sử dụng liều thuốc tiêm, hay uống phải hết sức chặt chẽ. Tuy nhiên, không ít gia đình đã tùy tiện trong điều trị, thậm chí cho trẻ bỏ thuốc để tìm đến các bài thuốc nam trôi nổi, không nguồn gốc được quảng cáo hoặc truyền miệng về công dụng có thể chữa khỏi hoàn toàn căn bệnh tiểu đường. Hằng năm, tại Bệnh viện Nhi trung ương vẫn tiếp nhận một vài trường hợp biến chứng nặng vì lý do này. Khi quay trở lại bệnh viện, bệnh nhi đã rơi vào tình trạng mắt mờ, thậm chí hôn mê, nguy cơ suy thận sớm.

Theo Tiến sĩ - bác sĩ Bùi Phương Thảo, Trưởng khoa Nội tiết và Đái tháo đường (Bệnh viện Nhi trung ương), hiện nay, đái tháo đường là căn bệnh chưa thể điều trị khỏi hoàn toàn, song nếu kiểm soát tốt đường huyết, tuân thủ điều trị, trẻ vẫn có thể lớn lên khỏe mạnh, xây dựng gia đình, sinh con và làm được các công việc liên quan tới hoạt động thể chất.

Thu Trang