Làng Phú Diễn
Xã hội - Ngày đăng : 09:45, 19/06/2007
(HNMĐT)- Thủ đô Hà Nội chúng ta có hai làng mang tên Phú Diễn, một thuộc xã Phú Diễn huyện Từ Liêm (ngạn ngữ có câu : Từ Liêm tam Diễn - Phú - Phù - Phu), một thuộc xã Hữu Hòa (huyện Thanh Trì).
Làng Phú Diễn (Thanh Trì) gốc tên là Phú Điền (làng nhiều ruộng), tên Nôm là làng Hành, là một làng có dân số trên trung bình (năm 1928 có 1364 nhân khẩu). Hiện có nhiều thuyết khác nhau về nguồn gốc của làng. Thuyết đầu tiên cho rằng, làng vốn là một bộ phận của làng Đại Hành (xã Hạ Thanh Oai cũ) tách ra. Trong khi đó, theo cuốn Phú Diễn Lê đế phả lục còn lưu trong đình thì vào cuối thế kỷ X, Phú Diễn đã là làng đông đúc. Năm 981, Lê Hoàn từ Hoa Lư theo đường sông ra Bắc diệt giặc Tống. Ông theo sông Nhuệ đến Phú Diễn. Thấy xung quanh khu vực miếu của làng có rừng cây rậm rạp, nhiều cây to và chim muông, bèn cho quân sĩ dừng lại để nghỉ ngơi, ngắm cảnh, vừa tập luyện rồi lấy thêm quân lên đường. Trong số các trai tráng của làng theo Lê Hoàn đi đánh giặc có ông Trần Thông, về sau lập được nhiều công. Sau chiến thắng, Lê Hoàn cùng Trần Thông trở lại làng Phú Diễn, được dân làng đón mừng. Về sau, dân làng lập miếu thờ Lê Hoàn và Trần Thông làm Thành hoàng. Các triều vua về sau đều phong sắc.
Tuy nhiên, theo cuốn Lư sử điển yếu điều lệ - sách chữ Hán soạn năm Cảnh Thịnh thứ hai (1794) thì làng Phú Điền do các tù binh Chiêm Thành bị bắt trong cuộc Nam chinh thời Vua Lê Thánh Tông (năm 1470 - 1471) đưa về đây khai phá. Có thể suy đoán, các nhóm tù binh Chiêm Thành được đưa đến đây khi làng xóm đã hình thành, song còn thưa vắng, đồng ruộng còn hoang hóa. Họ làm nhiệm vụ khai khẩn vùng đất trũng bỏ hoang, sau đó sống đan xen, hòa huyết với dân sở tại thành làng Phú Diễn đông đúc ngày nay.
Đầu thế kỷ XIX, làng (cũng là một xã) mang tên Phú Điền, thuộc tổng Tả Thanh Oai, huyện Thanh Oai, phủ ứng Thiên, trấn Sơn Nam Thượng (từ tháng 10 năm Minh Mạng thứ 12 - 1831 là tỉnh Hà Nội; từ năm 1902 là tỉnh Cầu Đơ, năm 1904 đổi thành tỉnh Hà Đông). Không rõ, Phú Điền đổi thành Phú Diễn từ bao giờ.
Cách mạng Tháng Tám thành công, Phú Diễn là một xã độc lập, sau đó nhập với các làng : Hữu Châu, Hữu Lê, Hữu Từ và Hữu Trung thành xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì tỉnh Hà Đông. Năm 1961, xã lại được cắt về huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông; đến đầu năm 1979, lại được nhập vào huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội.
Phú Diễn nằm ven sông Nhuệ, phía sau là đồng lúa chiêm trũng rộng lớn nên phong cảnh rất hữu tình, Dân làng trước đây vừa làm ruộng, vừa buôn bán và khai thác nguồn thủy sản trong đồng trũng.
Phú Diễn có ngôi đình nằm bên bờ sông Nhuệ. Đình có kết cấu chữ “Đinh” (hay chuôi vồ). Các tấm bia còn lưu cho biết, đình được dựng vào giữa thế kỷ XVIII và được trùng tu lớn vào năm Đinh Mão đời Vua Gia Long (1807). Trong đình còn 10 đạo sắc của các triều vua ban cho hai vị thanh hoàng (Lê Hoàn và Trần Thông). Hội làng diễn ra từ mồng 8 đến mồng 10 tháng Ba. Ngoài tế lễ và rước, hội coa các trò thi leo dây, bơi chải trên sông Nhuệ và thi đấu roi giữa trai đinh các giáp - một hình thức luyện quân của Lê Hoàn khi xưa.
Làng Phú Diễn sớm tiếp thu ánh sáng cách mạng. Những năm 1936 - 1937, tại làng đã hình thành các tổ chức quần chúng cách mạng. Tháng 3 - 1940, cùng với làng Hữu Từ ở bên cạnh, Phú Diễn được Tỉnh ủy Hà Đông bố trí cơ quan lãnh đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, khi cơ quan Xứ ở Hoài Đức bị khủng bố. Nhiều gia đình trong làng đã hết lòng nuôi giấu cán bộ.
PGS, TS Bùi Xuân Đính