Quyết liệt chuyển đổi số
Chuyển đổi số - Ngày đăng : 06:19, 05/03/2023
Những cách làm sáng tạo, thiết thực
Nếu năm 2020 được xác định là năm khởi động chuyển đổi số quốc gia, năm 2021 là năm tổng diễn tập chuyển đổi số khi công nghệ số được ứng dụng để phát triển các nền tảng phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, thì từ năm 2022 là tăng tốc thực hiện chuyển đổi số, với nhiệm vụ trọng tâm đẩy mạnh việc đưa người dân lên các nền tảng số, triển khai Đề án 06. Từ đó, góp phần giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; hạn chế tham nhũng, tiêu cực.
Thực tế, nơi nào người đứng quyết liệt chuyển đổi số, nơi đó đã có chuyển biến tích cực và có sản phẩm cụ thể. Ghi nhận tại Bộ Tư pháp, người đứng đầu ngành Tư pháp đã khẩn trương chỉ đạo có văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện nhiệm vụ của ngành được giao trong Quyết định số 06/QĐ-TTg; hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung, làm giàu dữ liệu dân cư; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin kết nối hộ tịch; hướng dẫn, đôn đốc địa phương triển khai số hóa, cấp giấy tờ hộ tịch điện tử…
Ở cấp tỉnh, Đà Nẵng là địa phương tiên phong đưa 95% thủ tục hành chính lên dịch vụ công trực tuyến toàn trình; triển khai “trợ lý ảo” hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến...
Còn tại Hà Nội, thành phố đã chủ động phối hợp các bộ, ngành triển khai Đề án 06 một cách căn cơ. Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội thông tin, đến ngày 30-12-2022, thành phố đã hoàn thành triển khai 25/25 dịch vụ công thiết yếu theo đúng lộ trình của Đề án 06. Trong đó, dịch vụ công có số hồ sơ được tiếp nhận và giải quyết trực tuyến cao nhất là nhóm cư trú. Các đơn vị trên địa bàn cũng đã có những biện pháp, cách thức sáng tạo hướng dẫn công dân thực hiện thủ tục hành chính như: Thành lập “Tổ cơ động hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến tại nhà”; mô hình “Ngày thứ sáu xanh”, “Ngày thứ ba không viết”, “Ngày thứ bảy tình nguyện hỗ trợ nhân dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến”, “Điểm hỗ trợ thực hiện thủ tục hành chính 24/24” tại các nhà văn hóa.
Với thành phố Hồ Chí Minh, nhiều mô hình thực hiện Đề án 06 đem lại hiệu quả thiết thực, như: "Đăng ký khai sinh, cấp mã định danh cá nhân và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ sơ sinh" do Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 quận 5 phối hợp với Bệnh viện Hùng Vương triển khai, được nhân dân đánh giá cao. Thay vì gia đình đến UBND phường làm thủ tục đăng ký và chờ ngày hẹn để được cấp giấy khai sinh và mã định danh thì hiện nay chỉ cần ngồi tại nhà truy cập vào cổng dịch vụ công thành phố đăng ký, sau đó, đến UBND phường nhận giấy khai sinh có tích hợp mã định danh và thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ.
Khắc phục hạn chế, thực hiện hiệu quả
Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả, song nhìn tổng thể về chuyển đổi số, vẫn còn khoảng cách lớn giữa thành thị và nông thôn; nhân lực cho chuyển đổi số chưa đáp ứng cả về số lượng và chất lượng. Một số tỉnh, thành phố phản ánh, chưa tạo được tài khoản trên cổng dịch vụ công đối với người nước ngoài; giao diện cổng dịch vụ công chưa thân thiện với người dùng.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều địa phương chưa thực hiện nghiêm chỉ đạo của Chính phủ, có tình trạng gây phiền hà, yêu cầu người dân xuất trình các loại giấy tờ chứng minh thông tin về cư trú.
Về vấn đề này, Trung tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an, Tổ phó Thường trực Tổ công tác Đề án 06 của Chính phủ cho biết, tổ công tác sẽ tổng hợp ý kiến, bàn với các bộ, lấy sự sáng tạo, tự tin trong từng nhóm việc của Hà Nội để làm kinh nghiệm cho các tỉnh, thành phố khác.
Trước những tồn tại liên quan đến thông tin cư trú, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương không yêu cầu người dân xuất trình, nộp sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy trong khi đã có dữ liệu về dân cư; xử lý nghiêm cán bộ, công chức vi phạm. Nâng cấp các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp bộ, cấp tỉnh bảo đảm việc kết nối, tích hợp với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phục vụ việc tra cứu thông tin về cư trú trong thực hiện thủ tục hành chính.
Người đứng đầu Chính phủ cũng đề nghị bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết tâm, chỉ đạo quyết liệt thực hiện đề án tại cơ quan, địa phương mình; báo cáo cấp ủy ban hành các văn bản chỉ đạo triển khai Đề án 06, hoàn thành trong tháng 3-2023. Cùng với đó là tổ chức quán triệt để đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nhận thức đúng, đầy đủ ý nghĩa, tầm quan trọng của Đề án, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong tổ chức thực hiện...