Làng Đường Yên
Xã hội - Ngày đăng : 14:39, 12/06/2007
(HNMĐT)- Làng Đường Yên (hay Đường An) là một làng nhỏ (năm 1928 có 307 nhân khẩu), nằm ven sông Cà Lồ, có tên Nôm là Kim Muôn, đầu thế kỷ XIX, là một xã thuộc tổng Cổ Loa, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc (năm 1831 đổi thành tỉnh Bắc Ninh).
Năm Tự Đức thứ 29 (1876), cả tổng Cổ Loa được tách khỏi huyện Đông Ngàn, để lệ thuộc huyện Đông Anh mới được thành lập. Từ tháng 10 - 1901, huyện Đông Anh thuộc tỉnh Phù Lỗ (tháng 2 - 1904, đổi tên thành tỉnh Phúc Yên).
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Đường Yên hợp nhất với các làng : Lương Quy, Nhạn Tái, Xuân Nộn thành một xã mang tên Tự Do thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên (từ năm 1950 là tỉnh Vĩnh Phúc). Tháng 5 - 1961, xã Tự Do cùng các xã khác trong huyện Đông Anh được chuyển về thành phố Hà Nội, Năm 1965, xã Tự Do đổi tên thành Xuân Nộn.
Đường Yên nằm cách Cổ Loa - trung tâm của nước Âu Lạc (cuối thế kỷ thứ ba trước Công nguyên) không xa nên có lịch sử tạo dựng và phát triển lâu đời, còn bảo lưu nhiều dấu tích gắn với lịch sử dựng nước và dựng nước của tổ tiên ta. Đình làng thờ hai vị thần là Lê Hoa - là người làng, một danh tướng của Hai Bà Trưng, có công chữa bệnh cho dân làng (dân làng thường gọi là Thánh Bà) cùng bà mẹ thân sinh (Thánh Mẫu). Hội làng tổ chức từ mồng một đến mồng 5 tháng Hai (chính hội là ngày mồng hai, tương truyền là ngày sinh của Lê Hoa) có nhiều trò diễn vừa phản ánh cuộc đời và những đóng góp của vị nữ danh tướng này; vừa thể hiện cuộc sống và những ước vọng của cư dân nông nghiệp ruộng nước.
Nổi bật nhất là trò kén rể, diễn lại sự tích bà Lê Hoa sau khi đánh giặc xong mới về làng lấy chồng. Là một danh tướng, lại có nhan sắc, bà Lê Hoa được nhiều chàng trai ngỏ ý nên Thánh Mẫu - thân sinh bà phải tổ chức kén rể. Làng chọn người đóng vai Thánh Mẫu (là phụ nữ song toàn, khỏe mạnh, đẹp phúc hậu, đầy đủ con cháu, gia đình hạnh phúc), người đóng vai Thánh Bà (bà Lê Hoa) có các tiêu chuẩn như trên nhưng là gái tân, hai chàng rể của hai phe (giáp) Bắc và Hậu. Trò kén rể gồm các lễ thức : vinh quy bái tổ, cởi vú mo cho bà Lê Hoa, Thánh Mẫu kể lai lịch về con gái mình, các chàng trai giới thiệu về mình, kể về giáp mình và thi ứng xử, đối đáp. Sau đó là thi làm công việc quan trọng đầu tiên của nhà nông như cày ruộng, câu ếch, thi chọc chó, thi bắt chạnh trong chum. Trong khi làm các động tác thi, các chàng rể phải đọc các bài vè liên quan đến các thao tác, các công việc để gây hứng thú và gây cười cho người xem, dưới sự giám sát của Thánh Mẫu và ban giám khảo cùng sự cỗ vũ của đông đảo dân làng. Mỗi lần thi, người nào thắng cuộc sẽ được nhận một thẻ. Ai có nhiều thẻ hơn sẽ thắng cuộc, được chọn làm con rể. Thánh Mẫu đứng lên tuyên bố trước dân làng bằng một bài thơ và dặn con gái, con rể cũng bằng một bài thơ. Dân làng tổ chức múa hát mừng cho đôi trai tài, gái sắc được nên duyên, kết thúc hội.
Hội làng Đường Yên có nhiều lễ thức hấp dẫn, chứa đựng nhiều dữ kiện lịch sử, xứng đáng được nghiên cứu bảo tồn thành một trong số ít hội độc đáo nhất trong huyện Đông Anh.
PGS, TS. Bùi Xuân Đính