“Kim chỉ nam” cho nền văn hóa mới
Văn hóa - Ngày đăng : 07:19, 04/03/2023
Nhận thức sâu sắc, đầy đủ, toàn diện hơn về văn hóa
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: “Chúng ta cùng nhau nhận thức sâu sắc hơn, đầy đủ hơn và toàn diện hơn về vai trò, vị trí đặc biệt quan trọng của văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng như trong việc thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, xứng tầm với sự nghiệp đổi mới và truyền thống lịch sử vẻ vang ngàn năm văn hiến của dân tộc”. Cũng tại hội nghị, Tổng Bí thư đặt ra 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp cụ thể cho việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển văn hóa dân tộc.
Thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp Tổng Bí thư đặt ra, hơn một năm qua, ngành Văn hóa đã cụ thể hóa trong các hoạt động xuyên suốt từ trung ương tới cơ sở, tạo nên sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức và hành động đối với vai trò, tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống kinh tế - xã hội.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết: “Bộ đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, trong đó cụ thể hóa 6 nhiệm vụ và 4 giải pháp thành các chương trình, nhiệm vụ, đề án, dự án, quy hoạch và các hoạt động phát triển sự nghiệp ngành Văn hóa, triển khai sâu rộng trên toàn quốc, góp phần nâng lên nhận thức và năng lực lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý nhà nước trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ”.
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, bằng văn hóa và từ văn hóa, hình ảnh đất nước Việt Nam “an toàn - thân thiện - hiền hòa - mến khách - hội nhập - phát triển” với những giá trị truyền thống đậm đà bản sắc đã trở thành dấu ấn đậm nét với bạn bè quốc tế.
Phát huy tinh thần Đề cương về văn hóa Việt Nam
Tại Hà Nội - Thủ đô đất nước, kể từ sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, các nhiệm vụ, giải pháp chấn hưng, phát triển văn hóa cũng được triển khai mạnh mẽ. Có thể kể đến việc ban hành Nghị quyết chuyên đề về công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô (Nghị quyết 09) đi kèm nhiều chính sách tích cực nhằm thúc đẩy phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng ở Hà Nội. Việc tiếp tục thực hiện Chương trình số 06-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025” gắn với nhiều sự kiện, hoạt động thực chất, như: Cuộc thi “Giữ gìn ngõ phố xanh, sạch, trang hoàng đường phố đẹp”; hội thi “Trưởng thôn thân thiện”…; hay nỗ lực triển khai các cam kết của Hà Nội với UNESCO khi tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo cũng không nằm ngoài mục tiêu cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp đã được Tổng Bí thư đặt ra tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng, ngành Văn hóa Thủ đô đã phối hợp với nhiều cơ quan, ban, ngành liên quan triển khai các sự kiện truyền thông, hội thảo, tọa đàm, cuộc thi thiết kế…, nhằm tăng tính tương tác, kết nối người dân với nhịp đập văn hóa và sáng tạo của Hà Nội.
Sau 8 thập kỷ đồng hành cùng dân tộc, các quan điểm, luận điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 vẫn tiếp tục chứng minh chân lý “văn hóa còn thì dân tộc còn”, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Những bài học sâu sắc đặt ra sau 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam cho chúng ta niềm tin vững chắc về khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc sẽ là nguồn động lực lớn lao để toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết một lòng, ra sức cống hiến trí tuệ, tài năng vì đất nước. Và việc phát triển các giá trị mang tính cương lĩnh của Đề cương vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc cổ vũ lòng tự hào dân tộc, khích lệ tinh thần dấn thân cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam trên hành trình mới.
Cùng bạn đọc
Từ ngày 22-2 đến 4-3-2023, thực hiện chuyên mục “Đề cương về văn hóa Việt Nam: Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Báo Hànộimới đã trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc nhiều sự kiện quan trọng nhân kỷ niệm 80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam và bài viết của các đồng chí lãnh đạo thành phố Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu... Qua đó góp phần giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về ý nghĩa của Đề cương quan trọng này và thêm khẳng định: Đề cương về văn hóa Việt Nam vẫn vẹn nguyên sức sống, sức ảnh hưởng; đồng thời, tiếp tục được vận dụng, bổ sung, kế thừa và hoàn thiện trong đường lối, chủ trương lãnh đạo của Đảng, Nhà nước về văn hóa. Báo Hànộimới trân trọng cảm ơn bạn đọc đã theo dõi chuyên mục.