Du lịch “Hà Nội 12 mùa hoa”

Du lịch - Ngày đăng : 06:13, 04/03/2023

(HNM) - Với lợi thế có nhiều con đường hoa cùng nhiều loại hoa đặc trưng theo mùa nở quanh năm, Hà Nội đang sở hữu những không gian đẹp, lãng mạn, thu hút người dân và du khách. Nắm bắt xu hướng này, ngành Du lịch Hà Nội đang hướng các địa phương, đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, trong đó có sản phẩm du lịch hấp dẫn “Hà Nội 12 mùa hoa”.

Hoa ban bên đường Bắc Sơn (quận Ba Đình) khoe sắc thu hút người dân và khách du lịch thưởng ngoạn, chụp ảnh. Ảnh: Nguyễn Quang

Nắm bắt xu hướng

Những ngày tháng 2, đầu tháng 3 này, khi những con đường hoa ban, hoa sưa, hoa phong linh của Hà Nội khoe sắc và mang đến vẻ đẹp thơ mộng cho Thủ đô, rất nhiều người dân, du khách đã đến thưởng ngoạn và chụp ảnh. Một số điểm được nhiều người biết đến như các phố Hoàng Diệu, Văn Cao có con đường hoa ban; các con đường Phan Chu Trinh, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám có nhiều hoa sưa và đường hoa phong linh nở vàng rực rỡ ở một khu đô thị...

Chị Hoàng Thị Hường (thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: "Mùa xuân có nét đẹp rất riêng. Ngoài khí hậu se lạnh, lắc rắc mưa xuân, Hà Nội còn hấp dẫn với những con đường hoa tuyệt đẹp. Vì thế, tôi cùng nhóm bạn đã đến Thủ đô để được trải nghiệm không gian lãng mạn từ những loài hoa". Còn chị Ngô Kim Thủy (phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm) cảm nhận: "Các con đường hoa của Hà Nội đẹp không thua kém cảnh sắc hoa anh đào tại Hàn Quốc, Nhật Bản. Vì vậy, tôi cùng những người bạn đã dành thời gian dạo phố Hà Nội, chụp ảnh kỷ niệm với hoa".

Nắm bắt xu hướng, nhiều địa phương của Hà Nội đã xây dựng sản phẩm du lịch hoa để thu hút du khách. Điển hình là huyện Ba Vì đã mở rộng diện tích trồng hoa dã quỳ lên tới 10ha, tạo thành “đặc sản” tham quan, trải nghiệm cho du khách vào tháng 11 và 12 hằng năm. Phó Giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì Chu Ngọc Quân cho biết, lượng khách đến với Vườn quốc gia ngày một tăng, đặc biệt là vào mùa hoa dã quỳ. Năm 2022, vào mùa du lịch cao điểm, Vườn quốc gia Ba Vì đón 25 nghìn lượt khách/tháng.

Lấy thế mạnh sản phẩm hoa để thu hút du khách, tháng 12-2022, huyện Mê Linh lần đầu tiên tổ chức lễ hội hoa, giới thiệu các loại hoa hồng đến từ các làng nghề trồng hoa của huyện. Hoạt động này thu hút khoảng 100 nghìn lượt du khách. Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn cho hay, lễ hội này sẽ được tổ chức thường niên, kỳ vọng trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo của huyện. Cũng theo cách làm này, Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Vân (huyện Thường Tín) Mai Văn Ngần chia sẻ, địa phương đang xây dựng nhiều mô hình du lịch nông nghiệp với các không gian hoa đẹp theo mùa, mang đến trải nghiệm mới mẻ cho du khách.

Ở khu vực nội thành Hà Nội, nhiều năm nay cũng đã hình thành những điểm đến thu hút du khách bằng sản phẩm hoa, điển hình như vườn hoa Nhật Tân, thung lũng hoa hồ Tây (quận Tây Hồ), thảo nguyên hoa (quận Long Biên)… Các địa điểm này thường xuyên thu hút được đông đảo khách tham quan, nhất là vào các ngày lễ, dịp nghỉ cuối tuần hay vào những vụ hoa đặc trưng. Đi cùng với đó, nhiều dịch vụ cũng phát triển, tạo được nguồn thu đáng kể.

Du khách tham quan lễ hội hoa tại huyện Mê Linh, tháng 12-2022. Ảnh: Quang Thái

Để trở thành “đặc sản” của du lịch Thủ đô

Mặc dù có lợi thế, nhưng theo các chuyên gia du lịch, để xây dựng sản phẩm du lịch hoa trở thành “đặc sản”, thành phố cần có những chiến lược bài bản. Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội Phùng Quang Thắng cho biết, tại một số quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…, các mùa hoa, mùa thay lá trở thành thương hiệu du lịch, thu hút rất nhiều du khách. Để tạo được những không gian hoa đẹp, các quốc gia đều có chiến lược trồng cây theo từng khu vực, có những quy định và dịch vụ cho du khách trải nghiệm, ngắm và chụp ảnh với hoa. Trong khi đó, tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, du lịch hoa vẫn mang tính thời vụ, đôi khi còn xảy ra một số hiện tượng phản cảm như khách tự ý lấn đường, hái hoa, bẻ cành.

Còn theo Phó Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) Vũ Hương Lan, một trong những vướng mắc của việc phát triển dòng sản phẩm du lịch hoa là vấn đề quy hoạch, cơ chế quản lý doanh nghiệp khai thác, xây dựng vườn hoa. Hiện, trên địa bàn Hà Nội có nhiều vườn hoa đang hoạt động tự phát, mạnh ai nấy làm, vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dịch vụ, sản phẩm.

Để du lịch hoa trở thành một sản phẩm độc đáo, đặc sắc của Hà Nội, ông Phùng Quang Thắng cho rằng, Hà Nội nên tiếp tục trồng nhiều loại cây, hoa đẹp ở khu vực công cộng như công viên để người dân, du khách có thể đến chụp ảnh mà không làm ảnh hưởng đến giao thông. Còn theo Giám đốc Công ty lữ hành Hanoitourist Lê Hồng Thái, cơ quan chức năng cần có cơ chế trong chiến lược phát triển các vườn hoa để tạo thành điểm đến cho du khách trải nghiệm.

Trong Kế hoạch phục hồi và phát triển du lịch Hà Nội 2023, thành phố nhấn mạnh vào việc xây dựng những sản phẩm du lịch mới, đặc trưng của Hà Nội. Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang thông tin, Sở đang hướng các địa phương, đơn vị xây dựng sản phẩm du lịch bền vững, trong đó, sản phẩm du lịch “Hà Nội 12 mùa hoa” được khuyến khích triển khai ở những địa phương có địa bàn phù hợp. Hiện Sở Du lịch đang xây dựng văn bản tham mưu, đề xuất thành phố về việc có cơ chế, quy hoạch rõ ràng cho việc phát triển các sản phẩm du lịch ở từng địa phương.

Trước mắt, Sở Du lịch Hà Nội sẽ phối hợp với các địa phương lên kế hoạch phát triển nhiều dòng sản phẩm mới, trong đó sẽ khai thác khu vực ven sông Hồng, nơi có rất nhiều vườn hoa. Ngoài ra, để tăng cường quảng bá du lịch Thủ đô, Sở sẽ tổ chức nhiều hoạt động, sự kiện, khuyến khích các đơn vị tạo các không gian hoa đặc trưng theo mùa của Hà Nội để du khách tham quan, chụp ảnh, góp phần tạo dựng thương hiệu “du lịch hoa” Hà Nội.

Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết, lượng khách quốc tế đã có dấu hiệu khởi sắc khi trong tháng 2-2023 đón 933.000 lượt khách, tăng 7,1% so với tháng trước. Tổng 2 tháng đầu năm đạt 1,8 triệu lượt khách quốc tế, gấp 36,6 lần so với cùng kỳ 2022.

Trong tháng 2, cả nước có khoảng 7 triệu lượt khách nội địa, trong đó 4,6 triệu lượt khách có lưu trú. Tổng 2 tháng đầu năm đạt 20 triệu lượt khách. Du lịch nội địa tiếp tục là thị trường chính, được đánh giá có tiềm năng tăng mạnh trong năm nay.

Hoàng Lân